Có thể sử dụng những biện pháp phòng thủ dân sự nào khi có thảm họa?
Phòng thủ dân sự được hiểu là bộ phận của phòng thủ đất nước bao gồm các biện pháp phòng, chống chiến tranh; phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh; bảo vệ Nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân.
Theo quy định tại Điều 32 Nghị định 02/2019/NĐ-CP về phòng thủ dân sự do Thủ tướng Chính phủ ban hành thì những biện pháp phòng thủ dân sự có thể được sử dụng khi có thảm họa bao gồm:
- Sơ tán nhân dân, phân tán tài sản của Nhà nước và nhân dân đến khu vực an toàn; bảo đảm trang bị, phương tiện bảo vệ cá nhân, lương thực thực phẩm, nước uống và các đồ dùng sinh hoạt thiết yếu cho người trong khu vực xảy ra thảm họa.
- Quan sát, trinh sát phát hiện kịp thời, đánh dấu, khoanh vùng, tiêu độc, tẩy xạ, diệt trùng cho người, trang bị, phương tiện ở khu vực bị nhiễm phóng xạ, sinh học, hóa chất độc hại.
- Các cơ quan chức năng thuộc bộ, ngành trung ương, địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho các lực lượng, phương tiện cơ động, tiếp cận, nhanh chóng đến hiện trường để kịp thời tiến hành các biện pháp khẩn cấp, ứng phó với các thảm họa.
- Sơ cứu, chuyển nạn nhân đến các cơ sở y tế gần nhất.
- Tiếp tế nhiên liệu, lương thực, thực phẩm, thuốc y tế và các vật chất cần thiết khác đến các khu vực bị nạn, kịp thời cứu trợ và bảo đảm đời sống, sinh hoạt cho nhân dân ở những vùng, khu vực bị chia cắt do thảm họa gây ra.
- Các cấp, các ngành triển khai thực hiện các biện pháp khẩn cấp, nhanh chóng khắc phục hậu quả thảm họa, sớm ổn định tình hình chính trị xã hội và đời sống của nhân dân.
- Bảo đảm an ninh trật tự; phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường tại những khu vực xảy ra thảm họa.
- Khi có sự hỗ trợ của quốc tế về ứng phó thảm họa và tìm kiếm cứu nạn: Bộ Quốc phòng chủ trì hoặc phối hợp với các Bộ: Công an, Giao thông vận tải, Ngoại giao, Tài chính chỉ đạo các cơ quan chức năng thuộc quyền làm thủ tục nhập cảnh, xuất cảnh, nhập khẩu, xuất khẩu:
+ Đối với người được phép đến Việt Nam, được làm thủ tục nhập cảnh, xuất cảnh ưu tiên tại các cửa khẩu đường không, đường thủy, đường bộ; trường hợp chưa có thị thực, được cấp thị thực tại cửa khẩu;
+ Phương tiện, trang thiết bị, hàng hóa được phép nhập khẩu, tái xuất sau khi hoàn thành hoạt động ứng phó thảm họa và tìm kiếm cứu nạn được ưu tiên làm thủ tục thông quan tại các cửa khẩu đường không, đường thủy, đường bộ;
+ Tiếp nhận, điều phối, triển khai bố trí lực lượng, phương tiện của nước ngoài tham gia hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa nhanh nhất, bảo đảm an toàn.
Trên đây là nội dung giải đáp về những biện pháp phòng thủ dân sự có thể được sử dụng khi có thảm họa.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật