Có cần phải bổ sung quê quán vào giấy khai sinh?
Theo quy định tại Luật Hộ tịch 2014 thì nội dung đăng ký khai sinh bao gồm:
- Thông tin của người được đăng ký khai sinh: Họ, chữ đệm và tên; giới tính; ngày, tháng, năm sinh; nơi sinh; quê quán; dân tộc; quốc tịch;
- Thông tin của cha, mẹ người được đăng ký khai sinh: Họ, chữ đệm và tên; năm sinh; dân tộc; quốc tịch; nơi cư trú;
- Số định danh cá nhân của người được đăng ký khai sinh.
Các nội dung đăng ký khai sinh là thông tin hộ tịch cơ bản của cá nhân, được ghi vào Sổ hộ tịch, Giấy khai sinh, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Hồ sơ, giấy tờ của cá nhân liên quan đến thông tin khai sinh phải phù hợp với nội dung đăng ký khai sinh của người đó.
Như vậy: Trường hợp con bạn sinh vào tháng 12/2011 nhưng trên giấy khai sinh không ghi quê quán của con là không phù hợp với quy định của pháp luật. Nên vợ chồng bạn có trách nhiệm đăng ký bổ sung thông tin về quê quán của con trên giấy khai sinh theo quy định của pháp luật.
Xác định quê quán của con
Tại Khoản 8 Điều 4 của Luật Hộ tịch 2014 có quy định:
"Điều 4. Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, những từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
...
8. Quê quán của cá nhân được xác định theo quê quán của cha hoặc mẹ theo thỏa thuận của cha, mẹ hoặc theo tập quán được ghi trong tờ khai khi đăng ký khai sinh."
Như vậy: Căn cứ quy định được trích dẫn trên đây thì về nguyên tắc quê quán của con sẽ được xác định theo quê quán của cha hoặc mẹ theo thỏa thuận của cha, mẹ. Nếu trường hợp cha, mẹ không thỏa thuận được về việc lựa chọn quê quán của con thì thực hiện theo tập quán.
Do đó: Vợ chồng bạn có thể thỏa thuận với nhau về việc lựa chọn quê quán của con theo mẹ hoặc theo cha để đảm bảo quyền và lợi ích của con, cũng như cho sự thuận tiện nhất cho con sau này.
Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật