Thời điểm phát sinh di chúc chung của vợ chồng
Thứ nhất, Điều 663 Bộ luật Dân sự năm 2005 (BLDS 2005) quy định: “vợ chồng có thể lập di chúc chung để định đoạt tài sản chung”.
Vì thế, việc lập di chúc chung có chứng thực của UBND cấp xã của bố mẹ bạn để định đoạt quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất là tài sản chung được tạo lập trong thời kỳ hôn nhân là hợp pháp.
Điều 668 BLDS 2005 quy định: “Di chúc chung của vợ, chồng có hiệu lực từ thời điểm người sau cùng chết hoặc tại thời điểm vợ, chồng cùng chết.”
Hiện tại, mẹ bạn vẫn còn sống nên di chúc này chưa phát sinh hiệu lực pháp luật. Vì vậy, bạn chưa phát sinh quyền đối với ngôi nhà của bố mẹ bạn. Vì lẽ đó, bạn không thể bán ngôi nhà này được.
Thứ hai, Khoản 2 Điều 664 BLDS 2005 quy định khi vợ hoặc chồng muốn sửa đổi, bổ sung, thay thế, huỷ bỏ di chúc chung thì phải được sự đồng ý của người kia; nếu một người đã chết thì người kia chỉ có thể sửa đổi, bổ sung di chúc liên quan đến phần tài sản của mình. Theo đó, mẹ bạn chỉ có thể sửa đổi, bổ sung phần di chúc liên quan đến tài sản của mình.
Nghĩa là, vì bố bạn đã mất, đồng thời ngôi nhà là tài sản chung nên mẹ bạn chỉ có thể thay đổi nguyện vọng của mình đối với ½ giá trị ngôi nhà thuộc sở hữu của mẹ.
Thứ ba, bạn muốn làm Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì đợi đến lúc mẹ bạn mất, khi ấy, di chúc chung của vợ chồng sẽ phát sinh hiệu lực pháp luật, bạn trở thành người thừa kế theo di chúc và thực hiện khai nhận thừa kế cũng như làm thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Hồ sơ khi xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bao gồm:
-Di chúc của bố mẹ bạn;
-Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất và nhà ở trên đất;
-Các biên lai, giấy tờ chứng minh cho việc sử dụng ổn định lâu dài (có tên trong sổ địa chính, biên lai nộp các nghĩa vụ tài chính…);
-Sổ hộ khẩu (bản sao chứng thực);
-Chứng minh nhân dân (bản sao chứng thực);
-Chứng tử của bố bạn;
-Văn bản khai nhận thừa kế;
-Giấy đăng ký kết hôn của bố mẹ bạn (sao y chứng thực).
Thư Viện Pháp Luật