Trách nhiệm của Bộ Công Thương về việc quản lý và thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ
Trách nhiệm của Bộ Công Thương về việc quản lý và thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ được quy định tại Điều 14 Quyết định 10/2017/QĐ-TTg Quy chế quản lý và thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ do Thủ tướng Chính phủ ban hành, cụ thể như sau:
Bộ Công Thương là cơ quan được Chính phủ giao trách nhiệm quản lý Chương trình, chịu trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ sau:
- Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và Hiệp hội ngành hàng liên quan định hướng phát triển công nghiệp hỗ trợ.
- Hướng dẫn xây dựng các đề án, tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt và ký kết với các đơn vị chủ trì thực hiện các đề án theo quy định tại Quy chế này.
- Phê duyệt danh mục các đề án, giám sát, kiểm tra việc thực hiện các đề án thuộc Chương trình.
- Tổ chức nghiệm thu kết quả thực hiện các đề án thuộc Chương trình, đánh giá sự phù hợp với mục tiêu của từng đề án và mục tiêu tổng thể Chương trình.
- Tổng hợp, xây dựng dự toán kinh phí thực hiện Chương trình và tổng hợp chung trong dự toán của bộ, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để xem xét bố trí dự toán, trình cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định của Luật ngân sách.
- Quản lý nguồn kinh phí sự nghiệp từ ngân sách nhà nước giao để thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ;
- Hàng năm tổng hợp đánh giá kết quả, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình thực hiện Chương trình.
- Xây dựng, hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật và hướng dẫn các địa phương, tổ chức, cá nhân và đơn vị liên quan thực hiện Chương trình.
- Hợp tác với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để thu hút vốn và các nguồn lực phục vụ hoạt động phát triển công nghiệp hỗ trợ.
- Thực hiện các chức năng quản lý nhà nước khác theo quy định tại Điều 14 Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 03 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Ban biên tập phản hồi thông tin đến bạn.
Thư Viện Pháp Luật