Trách nhiệm giải quyết tố cáo và phối hợp trong việc giải quyết tố cáo trong công an nhân dân
Tại Điều 7 Nghị định 22/2019/NĐ-CP quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo trong Công an nhân dân, có hiệu lực từ 15/04/2019, có quy định:
1. Cơ quan, đơn vị, cá nhân trong Công an nhân dân có thẩm quyền giải quyết tố cáo trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm:
a) Giải quyết tố cáo theo đúng quy định của pháp luật; áp dụng biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn thiệt hại có thể xảy ra; bảo đảm an toàn cho người tố cáo, người thân của người tố cáo; xử lý nghiêm minh cơ quan, đơn vị, cán bộ, chiến sĩ Công an, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có hành vi vi phạm pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình;
b) Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố cáo trong Công an nhân dân khi chưa có kết luận nội dung tố cáo của người giải quyết tố cáo.
2. Cơ quan, đơn vị, cá nhân trong Công an nhân dân có thẩm quyền giải quyết tố cáo mà không giải quyết tố cáo theo đúng quy định của pháp luật, thiếu trách nhiệm trong việc giải quyết tố cáo hoặc giải quyết tố cáo trái pháp luật thì phải bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật và quy định của Bộ Công an; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường, bồi hoàn theo quy định của pháp luật.
3. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm phối hợp với người giải quyết tố cáo trong Công an nhân dân; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo theo quy định của pháp luật; áp dụng các biện pháp bảo vệ người tố cáo theo thẩm quyền; xử lý người có hành vi vi phạm pháp luật theo kết luận nội dung tố cáo; xử lý cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về tố cáo.
Trân trọng và chúc sức khỏe!
Thư Viện Pháp Luật