Tranh chấp thừa kế tài sản hộ gia đình
Với những thông tin bạn cung cấp, chúng tôi hiểu rằng bố mẹ bạn có 1 người con duy nhất là bạn. Về vấn đề của bạn, Luatsuonline xin trả lời như sau:
Điều 108 Bộ Luật Dân sự 2005 (BLDS 2005) quy định: “Tài sản chung của hộ gia đình gồm quyền sử dụng đất, quyền sử dụng rừng, rừng trồng của hộ gia đình, tài sản do các thành viên đóng góp, cùng nhau tạo lập nên hoặc được tặng cho chung, được thừa kế chung và các tài sản khác mà các thành viên thoả thuận là tài sản chung của hộ.”
Vậy, theo những thông tin bạn cung cấp, quyền sử dụng đất là tài sản chung của Hộ gia đình ông Hoàng Văn Láu, vì vậy, ông nội và ba mẹ bạn là những người có quyền sở hữu đối với quyền sử dụng đất 1000m2. Ba bạn mất năm 2007, còn ông nội bạn mới mất cách đây 1 tháng, vậy về thời hiệu để yêu cầu Tòa án phân chia di sản thừa kế vẫn còn (10 năm, Điều BLDS 2005).
Trường hợp này, các bác của bạn vẫn được thừa kế phần di sản của ông nội bạn để lại. Bởi lẽ, ông nội bạn mất không để lại di chúc nên phần tài sản thuộc sở hữu của ông bạn trong 1000m2 đất đó sẽ được chia theo pháp luật (Điều 674 BLDS 2005). Lúc này, bạn sẽ là người thừa kế thế vị của bố bạn (Điều 677 BLDS 2005)
Phần di sản của ông bạn những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất mỗi người sẽ được hưởng những phần bằng nhau.
Vậy, nếu mảnh đất trên 1000m2, di sản của ông bạn là khoảng 333,3 m2. Ông bạn có bao nhiêu người con sẽ chia đều di sản trên cho những người thừa kế, trong đó có bạn là người thừa kế thế vị của bố mình. Nếu diện tích đất trên không thể tách hoặc phân chia được, bạn có thể đề nghị giao cho các bác khoản tiền bằng giá trị phần di sản mà các bác được hưởng và có giấy tờ chứng minh việc giao nhận này.
Về 666,7m2 đất còn lại thuộc sở hữu của mẹ bạn và bạn. Trong đó, mẹ bạn sở hữu 499,95 m2 (333,3m2 của mẹ bạn cộng với 166,65m2 được thừa kế từ bố bạn). Tốt nhất trong tình huống này, mẹ bạn có thể làm văn bản tặng cho quyền sử dụng đất thuộc sở hữu của mẹ cho bạn. Sau đó bạn thực hiện thủ tục khai nhận thừa kế đối với di sản bạn được nhận từ bố ( 166,65 m2) cũng như phần di sản thừa kế thế vị từ ông nội và thực hiện thủ tục làm giấy chứng nhận đối với quyền sử dụng đất nói trên.
Nếu những người bác của bạn vẫn gây khó khăn, bạn có thể yêu cầu UBND cấp xã nơi có bất động sản hòa giải. Nếu hòa giải không thành bạn có thể khởi kiện tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi có mảnh đất 1000m2 để được giải quyết và có bản án rõ ràng, từ đó tạo căn cứ thuận tiện cho việc làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, khi thực hiện khởi kiện tại Tòa án, bạn nên cân nhắc về khoản tạm ứng án phí và án phí dựa trên tổng giá trị tài sản tranh chấp (phần tạm ứng nguyên đơn và bị đơn có yêu cầu phản đối với nguyên đơn nộp. Tạm ứng án phí sẽ được hoàn lại cho người nộp nếu bên không được Tòa án chấp nhận yêu cầu phải chịu toàn bộ án phí)
Thư Viện Pháp Luật