Xác định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính?
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 52 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 thì thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của những người được quy định tại các điều từ 38 đến 51 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 là thẩm quyền áp dụng đối với một hành vi vi phạm hành chính của cá nhân; trong trường hợp phạt tiền, thẩm quyền xử phạt tổ chức gấp 02 lần thẩm quyền xử phạt cá nhân và được xác định theo tỉ lệ phần trăm quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 đối với chức danh đó.
Trong trường hợp phạt tiền đối với vi phạm hành chính trong khu vực nội thành thuộc các lĩnh vực quy định tại đoạn 2 khoản 1 Điều 23 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, thì các chức danh có thẩm quyền phạt tiền đối với các hành vi vi phạm hành chính do Chính phủ quy định cũng có thẩm quyền xử phạt tương ứng với mức tiền phạt cao hơn đối với các hành vi vi phạm hành chính do Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc trung ương quy định áp dụng trong nội thành.
Mặt khác, theo quy định tại Khoản 2 Điều 52 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 thì thẩm quyền phạt tiền quy định tại khoản 1 Điều 52 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (kế trên) được xác định căn cứ vào mức tối đa của khung tiền phạt quy định đối với từng hành vi vi phạm cụ thể.
Như vậy: Căn cứ các quy định được trích dẫn trên đây thì việc xác định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính phải căn cứ vào khung phạt tối đa của từng hành vi vi phạm cụ thể.
Đồng nghĩa, việc xác định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính không căn cứ vào tổng mức phạt tiền của tất cả hành vi vi phạm.
Do đó: Đối với trường hợp mà bạn thắc mắc thẩm quyền xử phạt theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP đối với đội trưởng là 1.200.000, được xác định là đối với một hành vi vi phạm cụ thể, chứ không phải là tổng mức phạt tiền của tất cả hành vi vi phạm.
Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật