Vợ chồng có thể lập chung một bản di chúc?
Theo quy định tại Bộ luật dân sự 2015 thì di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.
Người thành niên minh mẫn, sáng suốt, không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình. Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi được lập di chúc, nếu được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc.
Di chúc phải được lập thành văn bản; nếu không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng. Trong đó:
Di chúc bằng văn bản bao gồm:
- Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng.
- Di chúc bằng văn bản có người làm chứng.
- Di chúc bằng văn bản có công chứng.
- Di chúc bằng văn bản có chứng thực.
Di chúc miệng:
- Trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể lập di chúc miệng.
- Sau 03 tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người lập di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ.
Như vậy: Căn cứ quy định được trích dẫn trên đây, trường hợp vợ, chồng bạn minh mẫn, sáng suốt, không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép khi lập di chúc bằng văn bản (kể trên) thì có thể lập di chúc để định đoạt tài sản của mình.
Trường hợp vợ chồng bạn không thể lập được di chúc bằng văn bản (kể trên) thì có thể di chúc miệng để định đoạt tài sản của mình.
Mặt khác, Bộ luật dân sự 2015 hiện hành không có quy định cụ thể về việc lập di chúc chung của vợ chồng để định đoạt tài sản chung, tài sản riêng. Đồng nghĩa, pháp luật hiện hành cũng không có quy định cấm vợ chồng không được lập di chúc chung để định đoạt tài sản của mình.
Do đó: Vợ chồng bạn có thể lập chung một bản di chúc để định đoạt tài sản của mình, trong đó có thể bao gồm tài sản chung và tài sản riêng của vợ chồng bạn.
Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật