Quy định về chế độ báo cáo trong phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trong lĩnh vực đường bộ

Sắp tới sẽ có quy định mới về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trong lĩnh vực đường bộ. Vậy Ban tư vấn cho tôi hỏi quy định về chế độ báo cáo trong phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trong lĩnh vực đường bộ được quy định như thế nào? Chân thành cảm ơn! Mỹ Linh - linh*****@gmail.com

Quy định về chế độ báo cáo trong phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trong lĩnh vực đường bộ được quy định tại Điều 20 Thông tư 03/2019/TT-BGTVT quy định về phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai trong lĩnh vực đường bộ do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành, (có hiệu lực 28/03/2019), theo đó: 

Thực hiện theo quy định của pháp luật về phòng, chống thiên tai và các quy định sau:

1. Khi xảy ra thiên tai thì tùy theo mức độ xảy ra, Cục Quản lý đường bộ (đối với quốc lộ), Sở Giao thông vận tải (đối với công trình đường bộ được giao quản lý), Ban Quản lý dự án (đối với Dự án đang thi công, công trình đang trong thời gian bảo hành), Doanh nghiệp Đầu tư xây dựng và Quản lý khai thác công trình đường bộ (đối với các công trình đường bộ đầu tư xây dựng và khai thác theo hình thức BOT và các hình thức hợp đồng dự án khác) phải báo cáo về Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Bộ Giao thông vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam như sau:

a) Báo cáo trực tiếp: là báo cáo tình hình diễn biến thiên tai qua điện thoại thường trực, điện thoại di động hoặc truyền dữ liệu, hình ảnh qua công nghệ viễn thông những sự cố, thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng xảy ra đối với hoạt động giao thông vận tải đường bộ, đe dọa tính mạng của nhân dân để có ngay biện pháp xử lý tình huống;

b) Báo cáo ngày qua thư điện tử: là báo cáo bằng văn bản gửi qua thư điện tử, fax trước 8 giờ sáng và trước 16 giờ chiều hàng ngày trong suốt thời gian có thiên tai để nắm bắt chính xác diễn biến tình hình và kịp thời chỉ đạo các biện pháp giải quyết theo thẩm quyền hoặc đề xuất với cấp trên.

2. Báo cáo nhanh: là báo cáo bằng văn bản do các cơ quan, đơn vị lập ngay sau khi kết thúc đợt thiên tai và gửi Ban Chỉ huy PCTT&TKCN cấp trên để báo cáo về tình hình thiệt hại, tình trạng bị ảnh hưởng và phương án xử lý, đề xuất (nếu có).

3. Báo cáo đột xuất: khi nhận được văn bản yêu cầu báo cáo đột xuất của các cơ quan phòng, chống thiên tai cấp trên thì các cơ quan, đơn vị nhận được văn bản có trách nhiệm báo cáo theo các nội dung và thời gian yêu cầu để phục vụ các nhiệm vụ công tác phòng, chống thiên tai.

4. Báo cáo năm: Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Tổng cục Đường bộ Việt Nam lập báo cáo năm về công tác phòng, chống thiên tai kèm theo Kế hoạch phòng, chống thiên tai của năm sau và những kiến nghị, đề xuất (nếu có) gửi Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Bộ Giao thông vận tải trước ngày 15 tháng 01 hàng năm, để tổng hợp báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai của Bộ Giao thông vận tải.

Trên đây là tư vấn về quy định về chế độ báo cáo trong phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trong lĩnh vực đường bộ. Để biết thêm thông tin chi tiết bạn hãy tham khảo tại Thông tư 03/2019/TT-BGTVT. Mong rằng những tư vấn của chúng tôi sẽ giúp giải đáp được những vướng mắc của bạn.  

Chúc sức khỏe và thành công! 

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào