Phòng ngừa thiên tai đối với công trình đường bộ đầu tư xây dựng mới
Phòng ngừa thiên tai đối với công trình đường bộ đầu tư xây dựng mới được quy định tại Điều 6 Thông tư 03/2019/TT-BGTVT quy định về phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai trong lĩnh vực đường bộ do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành, (có hiệu lực 28/03/2019), theo đó:
1. Các công trình đường bộ được đầu tư xây dựng mới phải có khả năng chịu được tác động của thiên tai.
2. Trong quá trình khảo sát, thiết kế cần phải tuân thủ quy định trong các Quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng, trên cơ sở những yêu cầu sau:
a) Nghiên cứu địa hình, địa mạo của khu vực xây dựng công trình và lưu vực, sự hình thành các công trình ở thượng lưu có tác động đến công trình đường bộ. Thu thập đầy đủ các số liệu thống kê về lượng mưa, lưu lượng dòng chảy, mực nước dâng, sự xâm thực của sóng, thủy triều vùng gần biển, áp lực gió; nghiên cứu về tình hình sự cố, thiên tai của khu vực, các số liệu lịch sử, khoan thăm dò địa chất khu vực xây dựng công trình để làm cơ sở cho công tác thiết kế;
b) Lựa chọn địa điểm xây dựng công trình, vật liệu, loại kết cấu thích hợp để hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng của thiên tai;
c) Tính toán thủy văn theo lưu lượng thiết kế; tính toán thiết kế công trình theo cường độ gió bảo đảm tính ổn định chống gió, bão của tổng thể công trình cũng như từng kết cấu riêng biệt; thiết kế theo Quy chuẩn, Tiêu chuẩn có tính tới ảnh hưởng của sự thay đổi khí hậu toàn cầu và khu vực; ảnh hưởng của các công trình thủy lợi, thủy điện, nông ngư nghiệp cùng các tác động do phá hủy môi trường sinh thái của con người như chặt phá rừng, khai thác nguyên vật liệu làm thay đổi môi trường trong khu vực xây dựng;
d) Khi thiết kế khẩu độ cầu, phải hạn chế việc thu hẹp dòng chảy tự nhiên của sông, suối để không ảnh hưởng đến việc thoát lũ, không gây xói lở mố, trụ cầu. Phải tính toán chiều sâu xói lở dưới chân trụ, mố cầu để xác định cao độ đặt móng sâu hơn cao độ đáy sông sau khi xói một độ sâu an toàn tùy theo loại móng. Cần thiết kế kè chỉnh hướng dòng chảy, lát mái ta luy đất đắp tứ nón và đường vào cầu, xây dựng các trụ chống va gần các trụ cầu để gạt cây và vật trôi không cho va thẳng vào trụ cầu;
đ) Đối với các công trình đường, phải tính toán đầy đủ các rãnh thoát nước (rãnh dọc, rãnh ngang, rãnh đỉnh) với diện tích thoát nước và kết cấu đủ cho lưu lượng, vận tốc nước thông qua lúc có mưa, lũ lớn;
e) Cao độ nền đường bộ phải cao hơn mực nước tính toán cao nhất khi có thiên tai. Trong trường hợp phải chấp nhận có những thời điểm để nước tràn qua nền đường thì phải có thiết kế đặc biệt để bảo vệ đoạn đường đó như lát mái và lề đường chống xói lở, đất nền đường cần được gia cố để chịu được tải trọng xe chạy qua trong điều kiện đất nền no nước;
g) Mái ta luy phải có độ dốc bảo đảm ổn định trong trường hợp bất lợi khi có lụt, bão, mưa lớn, nước mặt và nước ngầm tác động;
h) Áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mái tạo ra các công trình có khả năng chịu được tác động của sự cố, thiên tai. Nghiên cứu những quy luật thủy văn, thủy lực của sông, quy luật thiên tai của từng vùng, miền để đề xuất việc áp dụng các loại kết cấu hợp lý chống được sự cố, thiên tai.
Trên đây là tư vấn về phòng ngừa thiên tai đối với công trình đường bộ đầu tư xây dựng mới. Để biết thêm thông tin chi tiết bạn hãy tham khảo tại Thông tư 03/2019/TT-BGTVT. Mong rằng những tư vấn của chúng tôi sẽ giúp giải đáp được những vướng mắc của bạn.
Chúc sức khỏe và thành công!
Thư Viện Pháp Luật