Xác định nghĩa vụ thuế đối với thu nhập từ các hoạt động biểu diễn của nghệ sĩ và vận động viên theo Hiệp định tránh đánh thuế hai lần

Tôi hiện nay đang là kế toán của một đoàn nghệ thuật chuyên đi lưu diễn ở nước ngoài, có thắc mắc này tôi muốn hỏi mong Ban biên tập tư vấn gúp tôi. Cụ thể việc xác định nghĩa vụ thuế đối với thu nhập từ các hoạt động biểu diễn của nghệ sĩ và vận động viên theo Hiệp định tránh đánh thuế hai lần được thực hiện như thế nào ạ? Linh (093***)

Theo quy định tại Điều 35 Thông tư 205/2013/TT-BTC hướng dẫn thực hiện Hiệp định tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với loại thuế đánh vào thu nhập và tài sản giữa Việt Nam với các nước và vùng lãnh thổ có hiệu lực thi hành tại Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành thì:

1. Mặc dù có các quy định tại các Mục 9. Thu nhập từ hoạt động ngành nghề độc lập và Mục 10. Thu nhập từ hoạt động cá nhân phụ thuộc, Chương II, Thông tư này, trường hợp cá nhân là đối tượng cư trú của Nước ký kết Hiệp định với Việt Nam tiến hành hoạt động trình diễn nghệ thuật, thể thao tại Việt Nam và nhận được thu nhập từ hoạt động trình diễn đó thì sẽ phải nộp thuế thu nhập theo pháp luật Việt Nam.

Ví dụ 53: Trong năm 2012, theo lời mời của Công ty biểu diễn V của Việt Nam một ca sỹ là đối tượng cư trú của Hàn Quốc đã có một buổi biểu diễn tại Việt Nam và nhận được khoản thù lao là 500.000.000 đồng. Thời gian ca sỹ hiện diện tại Việt Nam để tham gia đợt biểu diễn là 3 ngày. Theo quy định của Hiệp định giữa Việt Nam và Hàn Quốc (Khoản 1, Điều 17: Nghệ sĩ và vận động viên) ca sỹ này có nghĩa vụ nộp thuế thu nhập cá nhân tại Việt Nam.

2. Mặc dù có các quy định tại các Mục 2. Thu nhập từ hoạt động kinh doanh, Mục 9. Thu nhập từ hoạt động ngành nghề độc lập và Mục 10. Thu nhập từ hoạt động cá nhân phụ thuộc, Chương II, Thông tư này, trong trường hợp thu nhập từ hoạt động trình diễn nghệ thuật, thể thao tại Việt Nam của cá nhân là đối tượng cư trú của Nước ký kết Hiệp định với Việt Nam không trả cho cá nhân biểu diễn mà trả cho đối tượng khác thì thu nhập đó sẽ phải nộp thuế tại Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Ví dụ 54: Cũng với Ví dụ 53 nêu trên, ca sỹ Hàn Quốc sang biểu diễn tại Việt Nam trên cơ sở hợp đồng (được đàm phán và ký kết tại Hàn Quốc) giữa Công ty biểu diễn V của Việt Nam và Công ty Ngôi sao của Hàn Quốc. Theo quy định của Hiệp định giữa Việt Nam và Hàn Quốc (Khoản 2, Điều 17: Nghệ sĩ và vận động viên) khoản thu nhập của Công ty Ngôi sao từ hợp đồng này sẽ phải chịu thuế thu nhập doanh nghiệp tại Việt Nam.

3. Trường hợp hoạt động trình diễn nghệ thuật, thể thao của cá nhân, công ty là đối tượng cư trú tại Nước ký kết Hiệp định với Việt Nam được thực hiện trong khuôn khổ chương trình trao đổi văn hóa giữa Chính phủ hai nước, thì thu nhập từ hoạt động trình diễn tại Việt Nam của cá nhân, công ty nước ngoài sẽ được miễn thuế tại Việt Nam nếu tại Hiệp định giữa Việt Nam và Nước đó có quy định như vậy.

Ví dụ 55: Trong năm 2012, trong khuôn khổ giao lưu văn hóa được ký kết giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hàn Quốc, một ca sỹ là đối tượng cư trú của Hàn Quốc đã có một buổi biểu diễn tại Việt Nam và nhận được khoản thù lao là 500.000.000 đồng. Theo quy định của Hiệp định giữa Việt Nam và Hàn Quốc (Khoản 3, Điều 17: Nghệ sĩ và vận động viên) ca sỹ này không có nghĩa vụ nộp thuế thu nhập cá nhân tại Việt Nam.

Các quy định về thuế đối với thu nhập của các nghệ sĩ và vận động viên như trên được nêu tại Điều khoản Nghệ sĩ và vận động viên (thường là Điều 17) của Hiệp định.

Trên đây là nội dung quy định về việc xác định nghĩa vụ thuế đối với thu nhập từ các hoạt động biểu diễn của nghệ sĩ và vận động viên theo Hiệp định tránh đánh thuế hai lần. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 205/2013/TT-BTC.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào