Hội đồng khoa học công nghệ tư vấn tuyển chọn, xét chọn chủ trì đề tài, dự án sản xuất thử nghiệm cấp Bộ Y tế
Theo quy định tại Điều 13 Thông tư 37/2010/TT-BYT quy định về quản lý đề tài nghiên cứu khoa học và dự án sản xuất thử nghiệm cấp Bộ Y tế do Bộ Y tế ban hành thì:
1. Bộ trưởng Bộ Y tế thành lập, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và hoạt động của Hội đồng tuyển chọn, xét chọn (sau đây gọi là Hội đồng tuyển chọn, xét chọn).
2. Phương thức hoạt động của Hội đồng tuyển chọn, xét chọn được thực hiện thông qua các phiên họp.
3. Hội đồng có từ 7-11 thành viên, thành phần của Hội đồng gồm Chủ tịch, Phó chủ tịch, hai ủy viên phản biện và các ủy viên Hội đồng, trong đó:
a) 2/3 là các chuyên gia có trình độ, chuyên môn phù hợp và có ít nhất 3 năm kinh nghiệm hoạt động gần đây trong chuyên ngành khoa học được giao tư vấn;
b) 1/3 là đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức sản xuất kinh doanh thụ hưởng kết quả nghiên cứu của đề tài và các tổ chức khác có liên quan.
c) Các chuyên gia, đặc biệt là các uỷ viên phản biện đã tham gia Hội đồng xác định có thể được mời tham gia Hội đồng tuyển chọn, xét chọn chủ trì đề tài tương ứng.
d) Giúp việc Hội đồng có thư ký khoa học và các thư ký hành chính.
đ) Cá nhân không tham gia Hội đồng trong các trường hợp sau:
- Cá nhân đăng ký chủ trì và tham gia thực hiện đề tài, dự án SXTN
- Cá nhân thuộc tổ chức đăng ký chủ trì đề tài. Trong trường hợp cần thiết, thành viên Hội đồng có thể là cán bộ đang công tác tại tổ chức đăng ký chủ trì đề tài nhưng không quá 02 người và không được làm Chủ tịch, Phó chủ tịch hoặc ủy viên phản biện;
4. Nguyên tắc làm việc của Hội đồng tuyển chọn, xét chọn.
a) Các thành viên Hội đồng thực hiện đánh giá một cách trung thực, khách quan và công bằng; Chịu trách nhiệm cá nhân về kết quả đánh giá của mình, trách nhiệm tập thể về kết luận chung của Hội đồng và có trách nhiệm giữ bí mật về các thông tin liên quan đến quá trình đánh giá tuyển chọn, xét chọn.
b) Ủy viên phản biện có trách nhiệm phản biện từng nội dung và thông tin đã kê khai trong Hồ sơ đăng ký tuyển chọn, xét chọn.
Khi cần thiết, Hội đồng kiến nghị Bộ Y tế mời các chuyên gia ở ngoài Hội đồng có am hiểu sâu lĩnh vực nghiên cứu đề tài, dự án SXTN làm nhiệm vụ phản biện. Các chuyên gia này không tham gia bỏ phiếu đánh giá cho các đề tài, dự án SXTN.
c) Các thành viên Hội đồng có trách nhiệm nghiên cứu, phân tích từng nội dung và thông tin đã kê khai trong Hồ sơ; viết nhận xét, đánh giá và cho điểm theo các tiêu chí tại các biểu mẫu quy định (theo Phụ lục 2 Biểu B8 PNXTMĐT đối với đề tài, Phụ lục 2 biểu B9 PNXTMDA đối với dự án SXTN ban hành kèm theo Thông tư này) và gửi thư ký hành chính trước khi họp Hội đồng.
d) Phiên họp hợp lệ của Hội đồng phải có mặt ít nhất 2/3 số thành viên của Hội đồng, trong đó có Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch và đủ các ủy viên phản biện.
đ) Chủ tịch Hội đồng (hoặc phó chủ tịch khi Chủ tịch vắng mặt) chủ trì các phiên họp Hội đồng.
e) Thư ký khoa học có trách nhiệm ghi chép các ý kiến về chuyên môn của các thành viên và các kết luận của Hội đồng trong các biên bản làm việc và các văn bản liên quan của Hội đồng.
g) Các thành viên của Hội đồng chấm điểm độc lập theo các nhóm chỉ tiêu đánh giá và thang điểm quy định. Trước khi chấm điểm, Hội đồng thảo luận chung để thống nhất quan điểm, phương thức cho điểm.
Trên đây là nội dung quy định về Hội đồng khoa học công nghệ tư vấn tuyển chọn, xét chọn chủ trì đề tài, dự án sản xuất thử nghiệm cấp Bộ Y tế. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 37/2010/TT-BYT.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật