Vẫn phải đóng BHYT cho người lao động tại tháng báo giảm lao động?

Xin cho hỏi, trong tháng 02/2019 công ty có một số lao động chấm dứt hợp đồng lao động, theo quy định thì trong tháng 02/2019 công ty phải báo giảm lao động đối với những lao động này. Vậy tháng 02/2019 công ty có phải tham gia bảo hiểm y tế cho người lao động hay không? Nếu phải đóng thì công ty đóng ở mức nào?

Tại Điểm 2.1 Công văn 3881/BHXH-ST năm 2016 có ghi nhận nội dung như sau:

"2.1. Đối với đơn vị sử dụng lao động cùng tham gia BHXH, BHYT (viết tắt là đơn vị).

Khi có phát sinh tăng, giảm người tham gia BHYT, đơn vị phải kịp thời lập danh sách tăng, giảm gửi cơ quan BHXH theo mẫu quy định tại Quyết định 959/QĐ-BHXH ngày 09/9/2015 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam. Trường hợp đơn vị lập danh sách báo giảm chậm, đơn vị phải đóng số tiền BHYT của các tháng báo giảm chậm và thẻ BHYT có giá trị sử dụng đến hết các tháng đó."

Như vậy: Căn cứ nội dung trên đây thì trường hợp trong tháng 02/2019 công ty có một số lao động chấm dứt hợp đồng lao động, nên công ty có trách nhiệm làm thủ tục báo giảm lao động cho cơ quan bảo hiểm xã hội quản lý trực tiếp tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động (mà không ký tiếp hợp đồng lao động mới).

Do đó: Công ty vẫn phải tham gia bảo hiểm y tế cho người lao động trong tháng 02/2019. Khi đó, thẻ bảo hiểm y tế của người lao động vẫn có giá trị sử dụng cho đến hết tháng 02/2019.

Mức đóng bảo hiểm y tế:

Theo quy định tại Nghị định 146/2018/NĐ-CP thì mức đóng bảo hiểm y tế hằng tháng của người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên bằng 4,5% tiền lương tháng của người lao động.

Trường hợp người lao động trong thời gian nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày trở lên trong tháng theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội thì không phải đóng bảo hiểm y tế nhưng vẫn được hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế;

Hoặc người lao động trong thời gian bị tạm giam, tạm giữ hoặc tạm đình chỉ công tác để điều tra, xem xét kết luận có vi phạm hay không vi phạm pháp luật thì mức đóng hằng tháng bằng 4,5% của 50% mức tiền lương tháng của người lao động. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền kết luận là không vi phạm pháp luật, người lao động phải truy đóng bảo hiểm y tế trên số tiền lương được truy lĩnh;

Mặt khác, theo quy định tại Khoản 1 Điều 18 Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 thì mức đóng, trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế đối với người lao động làm việc theo HĐLĐ không xác định thời hạn, HĐLĐ có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên như sau: Mức đóng hằng tháng bằng 4,5% mức tiền lương tháng, trong đó người sử dụng lao động đóng 3%; người lao động đóng 1,5%.

Do đó: Công ty và người lao động phải có trách nhiệm đóng tiền bảo hiểm y tế đến hết tháng 02/2019 bằng 4,5% mức tiền lương tháng. Trong đó, công ty có trách nhiệm đóng đóng 3% tiền lương tháng và người lao động có trách nhiệm đóng 1.5% tiền lương tháng.

Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Bảo hiểm y tế

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào