Chuyển tiền nhầm vào tài khoản người khác có lấy lại được không?

Tôi có chuyển nhầm một số tiền lớn vào tài khoản của người khác. Trường hợp này tôi phải làm sao để lấy lại số tiền của tôi. Mong Ban biên tập có thể tư vấn giúp tôi, chân thành cảm ơn rất nhiều Nguyễn Thị Thu Hiền (hien_***@hotmail.com)

Theo quy định tại Khoản 4 Điều 36 Thông tư 23/2010/TT-NHNN thì:

Đối với Lệnh thanh toán sai địa chỉ khách hàng (Lệnh thanh toán chuyển đúng đơn vị nhận lệnh nhưng không có người nhận lệnh hoặc người nhận lệnh mở tài khoản ở Ngân hàng khác), sai tên, số hiệu tài khoản của người nhận Lệnh thanh toán (đúng tên nhưng sai số hiệu tài khoản hoặc ngược lại), ký hiệu chứng từ, ký hiệu loại nghiệp vụ, xử lý như sau:

a) Đối với các Lệnh thanh toán Có (hoặc Nợ) đơn vị nhận lệnh đã nhận nhưng chưa hạch toán thì thực hiện hạch toán vào tài khoản phải trả (phải thu) sau đó lập Lệnh thanh toán chuyển trả lại đơn vị khởi tạo lệnh. Nghiêm cấm đơn vị nhận lệnh chuyển tiền tiếp;

b) Đối với các Lệnh thanh toán đã thực hiện, đơn vị nhận lệnh xử lý tương tự như đã nêu tại Điểm b Khoản 3 Điều này.

Theo thông tin Anh/Chị cung cấp thì Anh/Chị đã chuyển nhầm tiền vào tài khoản của người khác. Trường hợp này, Anh/Chị cần liên hệ trực tiếp với ngân hàng và chuẩn bị những giấy tờ cần thiết theo yêu cầu của ngân hàng để được giải quyết.

Ngân hàng sẽ có những biện pháp khắc phục như phong tỏa, tạm khóa tài khoản cho đến khi làm rõ, khắc phục xong những sai sót trên.

Trong trường hợp tài khoản thụ hưởng đã bị khóa, hoặc bị phong tỏa vẫn còn số tiền Anh/Chị chuyển nhầm đến thì Ngân hàng sẽ chuyển tiền trả lại cho Anh/Chị.

Nếu trường hợp số tiền gửi nhầm vào tài khoản đã được rút, Ngân hàng sẽ thông báo và liên lạc với chủ tài khoản để yêu cầu trả lại số tiền trên. Trường hợp chủ tài khoản không đồng ý trả lại số tiền, Anh/Chị có thể đề nghị Ngân hàng cung cấp thông tin của chủ tài khoản này để khởi kiện yêu cầu trả lại số tiền trên theo quy định tại Điều 579 Bộ luật Dân sự 2015:

1. Người chiếm hữu, người sử dụng tài sản của người khác mà không có căn cứ pháp luật thì phải hoàn trả cho chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản đó; nếu không tìm được chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản thì phải giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp quy định tại Điều 236 của Bộ luật này.

2. Người được lợi về tài sản mà không có căn cứ pháp luật làm cho người khác bị thiệt hại thì phải hoàn trả khoản lợi đó cho người bị thiệt hại, trừ trường hợp quy định tại Điều 236 của Bộ luật này.

Trường hợp ngân hàng cũng như Anh/Chị đã thông báo, yêu cầu chủ tài khoản trả lại số tiền chuyển nhầm nhưng người này vẫn cố ý chiếm giữ trái phép tài sản thì có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 176 Bộ luật Hình sự 2015.

Ban biên tập thông tin đến Anh/Chị!

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào