Doanh nghiệp Việt nam có thể áp dụng công ước Viên 1980?
Theo quy định của công ước Viên về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế được ký kết năm 1980 (CISG) (sau đây gọi tắt là Công ước Viên) công ước được áp dụng đối với các hợp đồng hàng hóa giữa các bên có trụ sở thương mại tại các quốc gia khác nhau và khi các quốc gia này là thành viên của Công ước Viên, điều này thể hiện trong nội dung của Điều 1, Công ước Viên:
“1. Công ước này áp dụng cho các hợp đồng mua bán hàng hóa giữa các bên có trụ sở thương mại tại các quốc gia khác nhau.
a. Khi các quốc gia này là các quốc gia thành viên của Công ước hoặc,
b. Khi theo các quy tắc tư pháp quốc tế thì luật được áp dụng là luật của nước thành viên Công ước này.
2. Sự kiện các bên có trụ sở thương mại tại các quốc gia khác nhau không tính đến nếu sự kiện này không xuất phát từ hợp đồng, từ các mối quan hệ đã hình thành hoặc vào thời điểm ký hợp đồng giữa các bên hoặc là từ việc trao đổi thông tin giữa các bên.
3. Quốc tịch của các bên, quy chế dân sự hoặc thương mại của họ, tính chất dân sự hay thương mại của hợp đồng không được xét tới khi xác định phạm vi áp dụng của Công ước này.”
Như vậy, trong trường hợp hai doanh nghiệp, một của Việt nam, một của Thái Lan và hai quốc gia này đều chưa ký nghị định thư gia nhập công ước Viên – tức là không phải là thành viên của công ước thì tranh chấp về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế của hai doanh nghiệp nói trên không được mặc nhiên xem xét, giải quyết theo các quy định của công ước.
Tuy nhiên, hai doanh nghiệp nói trên cũng có thể chiếu theo các quy định của quốc gia mình mà được áp dụng một số nội dung tiến bộ của công ước cho các giao dịch mua bán hàng hóa quốc tế của mình, khi thỏa mãn các điều kiện sau:
1.Các nội dung của công ước dự định áp dụng không trái với pháp luật của một trong hai bên quốc gia.
2.Quan hệ mua bán hàng hóa của hai bên không thuộc trường hợp quy định tại Điều 2 và Điều 3 của Công ước, cụ thể:
“Ðiều 2:
Công ước này không áp dụng vào việc mua bán:
a. Các hàng hóa dùng cho cá nhân, gia đình hoặc nội trợ, ngoại trừ khi người bán, vào bất cứ lúc nào trong thời gian trước hoặc vào thời điểm ký kết hợp đồng, không biết hoặc không cần phải biết rằng hàng hóa đã được mua để sử dụng như thế.
b. Bán đấu giá.
c. Ðể thi hành luật hoặc văn kiện uỷ thác khác theo luật.
d. Các cổ phiếu, cổ phần, chứng khoán đầu tư, các chứng từ lưu thông hoặc tiền tệ.
e. Tàu thủy, máy bay và các chạy trên đệm không khí.
f. Ðiện năng.
Ðiều 3:
1. Ðược coi là hợp đồng mua bán các hợp đồng cung cấp hàng hóa sẽ chế tạo hay sản xuất, nếu bên đặt hàng không có nghĩa vụ cung cấp phần lớn các nguyên liệu cần thiết cho việc chế tạo hay sản xuất hàng hóa đó.
2. Công ước này không áp dụng cho các hợp đồng trong đó nghĩa vụ của bên giao hàng chủ yếu là phải thực hiện một công việc hoặc cung cấp một dịch vụ khác.”
Với lẽ đó, giả sử pháp luật của Thái Lan không có các điều khoản mâu thuẫn với Công ước Viên và pháp luật Việt nam thì hai doanh nghiệp có thể áp dụng các điều khoản sau của công ước để điều chỉnh quan hệ của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế giữa hai bên trong một số vấn đề liên quan đến hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế của hai bên như:
- Lựa chọn phương pháp giao kết hợp đồng của công ước Viên;
- Lựa chọn phương pháp thực hiện hợp đồng của công ước Viên;
- Lựa chọn cơ quan giải quyết tranh chấp là trọng tài và nguồn luật để áp dụng giải quyết tranh chấp là Công ước Viên;
Và điều quan trọng là các nội dung nói trên phải được ghi nhận bằng văn bản được hai bên ký kết chính thức phù hợp với các quy định của pháp luật của mỗi quốc gia.
Thư Viện Pháp Luật