Có được giữ giấy tờ của lao động giúp việc nhà?
Thứ nhất, về việc không ký kết hợp đồng với lao động giúp việc.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 180 Bộ luật lao động 2012 thì:
"1. Người sử dụng lao động phải ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người giúp việc gia đình."
Bên cạnh đó, tại Khoản 1 Điều 4 Nghị định 27/2014/NĐ-CP quy định:
"1. Người ký kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động là người thuộc một trong số các trường hợp sau đây:
a) Chủ hộ;
b) Người được chủ hộ hoặc các chủ hộ ủy quyền hợp pháp;
c) Người được các thành viên trong hộ gia đình hoặc các hộ gia đình ủy quyền hợp pháp."
Như vậy, Người sử dụng lao động phải ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người giúp việc gia đình. Việc chủ nhà không ký kết hợp đồng lao động giúp việc gia đình với cô của bạn là không đúng quy định.
Thứ hai, về việc giữ giấy tờ tùy thân của lao động giúp việc nhà.
Theo quy định tại Điều 183 Bộ luật lao động 2012 về những hành vi bị nghiêm cấm đối với người sử dụng lao động thì:
1. Ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động, dùng vũ lực đối với lao động là người giúp việc gia đình.
2. Giao việc cho người giúp việc gia đình không theo hợp đồng lao động.
3. Giữ giấy tờ tùy thân của người lao động.
Như vậy, việc chủ nhà giữ giấy tờ tùy thân của cô bạn đây là hành vi bị cấm đối với người sử dụng lao động.
Theo quy định tại Khoản 14 Điều 1 Nghị định 88/2015/NĐ-CP như sau:
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi giữ bản chính giấy tờ tùy thân của người giúp việc gia đình.
Theo đó, đối với hành vi giữ giấy tờ tùy thân của người giúp việc nhà sẽ bị phạt từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng. Bên cạnh đó, còn áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc trả lại giấy tờ tùy thân cho người giúp việc nhà.
Trường hợp này cô bạn có thể yêu cầu chủ nhà ký kết hợp đồng lao động và trả lại giấy tờ tùy thân cho cô bạn.
Trân trọng!
Hồ Văn Ngọc