Khi nào thì không phải lập biên bản vi phạm?
Theo quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 thì việc lập biên bản vi phạm hành chính được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không thuộc trường hợp xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản theo quy định của pháp luật.
Việc xử phạt vi phạm hành chính có lập biên bản phải được người có thẩm quyền xử phạt lập thành hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính. Hồ sơ bao gồm biên bản vi phạm hành chính, quyết định xử phạt hành chính, các tài liệu, giấy tờ có liên quan và phải được đánh bút lục.
Theo đó, theo quy định tại Điều 56 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 thì xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản được áp dụng trong trường hợp xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức và người có thẩm quyền xử phạt phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ. Trường hợp vi phạm hành chính được phát hiện nhờ sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ thì phải lập biên bản.
Như vậy: Căn cứ quy định được trích dẫn trên đây thì cơ quan, cá nhân có thẩm quyền sẽ không lập biên bản hành vi vi phạm hành chính khi đáp ứng đủ các tiêu chí sau đây:
- Hình thức xử phạt:
Thuộc một trong các trường hợp sau:
+ Phạt cảnh cáo;
+ Phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân;
+ Phạt tiền đến 500.000 đồng đối với tổ chức.
- Người có thẩm quyền xử phạt ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ.
- Không thuộc trường hợp hành vi vi phạm được phát hiện nhờ sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ.
Do đó: Không phải mọi trường hợp hành vi vi phạm hành chính có mức phạt vi phạm từ 500 ngàn đồng trở xuống thì không phải lập biên bản vi phạm hành chính mà sẽ xử phạt tại chỗ, mà còn phải căn cứ vào nhiều yếu tố khác để xác định.
Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật