Trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải về cơ chế khuyến khích phát triển đội tàu biển Việt Nam
Trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải về cơ chế khuyến khích phát triển đội tàu biển Việt Nam được quy định tại Khoản 1 Điều 6 Quyết định 149/2003/QĐ-TTg về chính sách và cơ chế khuyến khích phát triển đội tàu biển Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ ban hành, cụ thể như sau:
- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan rà soát và có biện pháp khắc phục, chấn chỉnh các trường hợp vi phạm quy định của Bộ Luật Hàng hải Việt Nam và các quy định hiện hành về vận chuyển hàng hoá bằng đường biển tuyến nội địa.
- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm sự đồng bộ và có hiệu lực trong việc khuyến khích phát triển đội tàu Việt Nam nhanh chóng vươn lên chiếm lĩnh thị trường vận chuyển hàng hoá nội địa, hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế; đồng thời chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu các chính sách khuyến khích các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu sử dụng dịch vụ vận tải của các doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam.
- Xây dựng và ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các quy định liên quan tới việc quản lý cước vận tải; giá, phí dịch vụ hàng hải.
- Chỉ đạo Cục Hàng hải Việt Nam tiến hành thống kê, theo dõi, phát hiện để xử lý kịp thời theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý đối với các trường hợp làm trái các quy định tại Quyết định này.
- Chỉ đạo Cục Hàng hải Việt Nam kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp vận tải và dịch vụ hàng hải trong việc thực hiện quy định tại các Nghị định của Chính phủ số 57/2001/NĐ-CP ngày 24 tháng 8 năm 2001 về kinh doanh dịch vụ vận tải biển và số 10/2001/NĐ-CP ngày 19 tháng 3 năm 2001 về kinh doanh dịch vụ hàng hải và tại quyết định này nhằm tạo lập trật tự và môi trường kinh doanh lành mạnh, đảm bảo quyền lợi cho các doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam và quyền lợi quốc gia trong các lĩnh vực nói trên.
Ban biên tập phản hồi thông tin đến bạn.
Thư Viện Pháp Luật