Chi hoạt động truyền thông và nâng cao năng lực, nhận thức về xuất khẩu lao động cho người lao động ở các huyện nghèo

Tôi làm việc bên UBND xã (một xã thuộc huyện nghèo) được hỗ trợ đề án “Hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009-2020”. Tôi có thắc mắc liên quan đến vấn đề này mong Ban biên tập giải đáp. Cụ thể: Việc chi hoạt động truyền thông và nâng cao năng lực, nhận thức về xuất khẩu lao động cho người lao động ở các huyện nghèo được quy định như thế nào? Mong nhận được sự tư vấn từ Ban biên tập

Việc chi hoạt động truyền thông và nâng cao năng lực, nhận thức về xuất khẩu lao động được thực hiện theo quy định tại Điều 7 Thông tư liên tịch 31/2009/TTLT-BLĐTBXH-BTC hướng dẫn Quyết định 71/2009/QĐ-TTg về phê duyệt đề án “Hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009-2020” do liên bộ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội - Bộ Tài chính ban hành như sau:

1. Chi hoạt động truyền thông

a) Tuyên truyền, thông tin đầy đủ về chính sách, chế độ hỗ trợ cho người lao động tham gia xuất khẩu lao động theo Đề án, điều kiện tham gia Đề án, điều kiện tuyển chọn, điều kiện làm việc, sinh hoạt và thu nhập của người lao động ở các thị trường, phong tục tập quán của nước tiếp nhận lao động, hiệu quả của việc tham gia xuất khẩu lao động... trên các phương tiện thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương (phát thanh truyền hình, báo chí). Mức chi thực hiện theo hình thức hợp đồng giữa đơn vị truyền thông/ thông tin đại chúng với cơ quan thực hiện Đề án.

b) Chi xây dựng, sản xuất, nhân bản và phát hành các loại ấn phẩm truyền thông để cung cấp cho địa phương. Mức chi thực hiện theo hình thức hợp đồng.

c) Chi tổ chức các cuộc thi tuyên truyền về xuất khẩu lao động do cấp thẩm quyền phê duyệt. Nội dung và mức chi như sau:

- Biên soạn đề thi và đáp án (bao gồm cả biểu điểm): tối đa không quá 500.000 đồng/đề thi;

- Bồi dưỡng chấm thi, Ban giám khảo cuộc thi, xét công bố kết quả thi: tối đa không quá 200.000 đồng/người/ngày;

- Bồi dưỡng thành viên Ban tổ chức: tối đa không quá 150.000 đồng/người/ngày;

- Thuê địa điểm, hội trường, phương tiện, máy móc thiết bị (nếu có);

- Giải thưởng: Tập thể: từ 200.000 đồng/giải thưởng đến 2.000.000 đồng/giải thưởng; cá nhân: từ 100.000 đồng/giải thưởng đến 1.000.000 đồng/giải thưởng.

Tuỳ theo quy mô tổ chức cuộc thi (cấp Trung ương, cấp tỉnh, cấp cơ sở), Thủ trưởng cơ quan, đơn vị chủ trì tổ chức cuộc thi quyết định mức chi giải thưởng cụ thể trong khung mức chi nêu trên trong phạm vi dự toán ngân sách đã được cấp có thẩm quyền giao;

- Tổng hợp, báo cáo kết quả cuộc thi: 500.000 đồng/báo cáo.

d) Chi hoạt động điều tra về nhu cầu tham gia xuất khẩu lao động và nhu cầu việc làm sau xuất khẩu lao động: nội dung chi và mức chi thực hiện theo Thông tư 120/2007/TT-BTC ngày 15 tháng 10 năm 2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện các cuộc điều tra từ nguồn vốn sự nghiệp của Ngân sách Nhà nước.

đ) Ngoài các nội dung chi trên, tại cấp huyện, xã được chi một số nội dung tuyên truyền về xuất khẩu lao động theo mức sau:

- Chi hỗ trợ xây dựng chuyên mục, chương trình để truyền thông trên phương tiện thông tin đại chúng về xuất khẩu lao động: 20.000.000 đồng/huyện/năm.

- Chi xây dựng và phát bản tin: 4.000.000 đồng/xã/năm (mỗi tháng phải thực hiện phát ít nhất 10 lượt bản tin về công tác xuất khẩu lao động trên hệ thống đài truyền thanh xã, thị trấn).

- Chi hỗ trợ cho người làm công tác trực tiếp vận động, tư vấn cho người đi xuất khẩu lao động với mức 20.000 đồng/người/buổi vận động, tư vấn, nhưng tối đa không quá 300.000 đồng/người/tháng.

e) Chi tổ chức các buổi tuyên truyền chính sách xuất khẩu lao động gồm: tiền tài liệu, bồi dưỡng báo cáo viên, thuê hội trường, thiết bị loa đài (nếu có), nước uống... Nội dung và mức chi theo quy định hiện hành về phổ biến tuyên truyền pháp luật.

2. Chi nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác xuất khẩu lao động và tuyền truyền viên cơ sở

a) Đối tượng nâng cao năng lực: Cán bộ làm công tác xuất khẩu lao động và tuyên truyền viên cơ sở tại các tỉnh có huyện nghèo ở các cấp (tỉnh, huyện, xã, thôn, bản).

b) Hình thức tổ chức và tài liệu phục vụ cho công tác đào tạo, nâng cao năng lực do cơ quan quản lý Đề án hướng dẫn, thực hiện đảm bảo phù hợp với trình độ của cán bộ từng cấp và từng khu vực (đặc biệt đối với cán bộ là người dân tộc).

c) Nội dung và mức chi:

- Chi trả thù lao cho giảng viên, báo cáo viên, hỗ trợ tiền ăn, ngủ, đi lại cho học viên trong thời gian đào tạo theo mức quy định tại Thông tư số 51/2008/TT-BTC ngày 16/6/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn, quản lý và sử dụng kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức nhà nước.

Riêng đối với cán bộ chuyên trách, công chức cấp xã và cán bộ không chuyên trách ở xã, thôn/bản thuộc các huyện nghèo được cấp toàn bộ chi phí học tập, ăn ở, đi lại theo Điều 8 Nghị định số 121/2003/NĐ-CP ngày 21/10/2003 của Chính phủ về chế độ chính sách đối với cán bộ công chức ở xã, phường, thị trấn.

- Chi tổ chức lớp học gồm: thuê hội trường, phòng học; thiết bị phục vụ học tập; văn phòng phẩm, tài liệu, giáo trình giảng dạy; chi tổ chức cho học viên đi khảo sát thực tế; chi phí ăn, ở, đi lại cho giảng viên và cán bộ quản lý lớp của cơ sở đào tạo trong trường hợp phải tổ chức lớp ở xa cơ sở đào tạo.

- Chi in ấn tài liệu, biên soạn bài giảng phục vụ lớp học, mức chi theo quy định hiện hành về hướng dẫn nội dung chi, mức chi biên soạn chương trình khung, giáo trình môn học.

- Chi cho công tác quản lý lớp học không quá 5% tổng kinh phí cho lớp đào tạo.

Trên đây là nội dung quy định về việc chi hoạt động truyền thông và nâng cao năng lực, nhận thức về xuất khẩu lao động. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư liên tịch 31/2009/TTLT-BLĐTBXH-BTC.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Người lao động

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào