Trường hợp không được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động
Khoản 1 Điều 39 Bộ luật Lao động có quy định, người sử dụng lao động không được đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động trong trường hợp: “Người lao động ốm đau hoặc bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đang điều trị, điều dưỡng theo quyết định của thầy thuốc, trừ trường hợp quy định tại điểm c và điểm đ khoản 1 Điều 38 của Bộ luật này”.
Điểm c Khoản 1 Điều 38 có quy định người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động trong trường hợp: “Người lao động làm theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn ốm đau đã điều trị 12 tháng liền, người lao động làm theo hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 12 tháng đến 36 tháng ốm đau đã điều trị sáu tháng liền và người lao động làm theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng ốm đau đã điều trị quá nửa thời hạn hợp đồng lao động, mà khả năng lao động chưa hồi phục. Khi sức khoẻ của người lao động bình phục, thì được xem xét để giao kết tiếp hợp đồng lao động;”
Căn cứ vào các quy định trên, vì bạn đang làm việc cho Công ty theo Hợp đồng lao động không xác định thời hạn và thời gian điều trị bệnh của bạn chưa đủ 12 tháng liền nên trường hợp của bạn không thuộc trường hợp người sử dụng lao động (Công ty) có quyền đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 36, Bộ luật lao động. Do đó, việc Công ty đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động với bạn là vi phạm Khoản 1 Điều 39 Bộ luật Lao động nêu trên.
Bạn có thể khiếu nại với người có thẩm quyền của Công ty về trường hợp của mình. Nếu hai bên không thống nhất được cách thức giải quyết vụ việc, bạn có quyền nộp đơn khởi kiện Công ty ra trước Tòa án nhân dân, để được Tòa án nhân dân bảo vệ quyền lợi hợp pháp theo quy định của pháp luật.
Thư Viện Pháp Luật