Bồi thường khi chấm dứt hợp đồng lao động
1/ Công ty của bạn chỉ được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) trong các trường hợp: (a) người lao động (NLĐ) thường xuyên không hoàn thành công việc theo HĐLĐ; (b) NLĐ bị kỷ luật sa thải; (c) NLĐ ốm đau đã điều trị 12 tháng liền (đối với HĐLĐ không thời hạn) hoặc đã điều trị sáu tháng liền (HĐLĐ có thời hạn); (d) trường hợp bất khả kháng; (e) công ty chấm dứt hoạt động.
Khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ, ngoại trừ điểm (b), công ty phải báo cho NLĐ biết trước ít nhất 45 ngày (HĐLĐ không thời hạn) hoặc 30 ngày (HĐLĐ có thời hạn). Như vậy, nếu công ty đơn phương chấm dứt HĐLĐ với bạn mà không có lý do cũng như không trả trợ cấp thôi việc là đã vi phạm pháp luật lao động.
2/ Bạn có thể kiện công ty ra tòa án nơi đặt trụ sở công ty về việc bị đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật. Trường hợp tòa án tuyên công ty đã chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật thì công ty phải nhận NLĐ trở lại làm việc, và phải bồi thường một khoản tiền tương ứng với tiền lương và phụ cấp trong những ngày không được làm việc, cộng với ít nhất hai tháng tiền lương và phụ cấp.
Nếu NLĐ không muốn trở lại làm việc, ngoài tiền bồi thường trên còn được trợ cấp thôi việc. Nếu công ty không muốn nhận NLĐ trở lại làm việc, hai bên thỏa thuận bồi thường thêm để chấm dứt HĐLĐ.
Trong trường hợp, tiến hành kỷ luật lao động và chấm dứt HĐLĐ với NLĐ, Công ty bạn phải tuân thủ đầy đủ và chính xác các trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật về lao động có liên quan (Điều 38, Điều 85 Bộ luật Lao động và được hướng dẫn tại các Nghị định số 41/CP ngày 06/7/1995; Nghị định số 33/2003/NĐ-CP ngày 02/4/2003; Thông tư số 19/2003/TT-BLĐTBXH ngày 22/9/2003).
Nếu NLĐ đã làm việc thường xuyên cho Công ty từ đủ 12 tháng trở lên, thì khi chấm dứt HĐLĐ, Công ty đó có trách nhiệm trả trợ cấp thôi việc cho NLĐ này, cứ mỗi năm làm việc là nửa tháng lương, cộng phụ cấp lương, nếu có (Điều 42 Bộ luật lao động và được hướng dẫn chi tiết tại Nghị định số 44/2003/NĐ-CP ngày 09/5/2003 và Thông tư số 21/2003/TT-BLĐTBXH ngày 22/9/2003).
HG.
Thư Viện Pháp Luật