Nguồn gốc của tài liệu, thông tin làm bằng chứng kiểm toán
Nguồn gốc của tài liệu, thông tin làm bằng chứng kiểm toán được quy định tại Khoản 1 Điều 7 Quyết định 03/2018/QĐ-KTNN hướng dẫn về bằng chứng kiểm toán do Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành, cụ thể như sau:
a) Tài liệu, thông tin làm bằng chứng kiểm toán do KTVNN trực tiếp khai thác và phát hiện thông qua thực hiện các thủ tục kiểm toán.
- Bằng chứng do KTVNN thu thập hoặc sao chụp được từ tài liệu, chứng từ gốc thông qua thực hiện các thủ tục kiểm toán.
Ví dụ 10: Các bằng chứng do KTVNN thu thập được qua phân tích, soát xét hồ sơ tài liệu, sổ sách kế toán của đơn vị.
- Trong một số trường hợp, không thể sao chụp được các tài liệu, chứng từ gốc làm bằng chứng kiểm toán, KTVNN có thể thực hiện chứng từ hóa bằng chứng kiểm toán bằng cách lập biên bản xác nhận số liệu và tình hình kiểm toán của KTVNN, biên bản làm việc, bảng kê (ghi rõ nghiệp vụ kinh tế, giá trị, hồ sơ và lý do liên quan đến phát hiện kiểm toán, các sai sót) hoặc bảng tính toán... có xác nhận của đơn vị, đối tượng có liên quan.
Ví dụ 11: Biên bản xác nhận số liệu và tình hình kiểm toán của KTVNN; bảng kê các bản vẽ thiết kế, bản vẽ hoàn công liên quan đến sai sót, bảng tính toán của KTVNN về số liệu giảm trừ, bảng kê về nghiệp vụ kinh tế có sai sót có xác nhận của đơn vị ...
b) Tài liệu, thông tin làm bằng chứng kiểm toán do đơn vị được kiểm toán cung cấp.
- Tài liệu, thông tin làm bằng chứng kiểm toán do đơn vị được kiểm toán cung cấp bao gồm: bằng chứng kiểm toán do đơn vị được kiểm toán phát hành và do các đối tượng khác phát hành được lưu trữ tại đơn vị được kiểm toán.
+ Bằng chứng do đơn vị được kiểm toán phát hành:
Ví dụ 12: Báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán ngân sách, kế hoạch tài chính, các sổ sách kế toán, các biên bản kê khai và quyết toán thuế, các biên bản họp của Hội đồng quản trị, Ban Giám đốc, các chỉ đạo của Lãnh đạo đơn vị bằng văn bản, các biên bản giải trình của đơn vị, quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị, thông tin về hệ thống kiểm soát của đơn vị, báo cáo kết quả về thực hiện mục tiêu của chương trình, báo cáo giải trình của đơn vị được kiểm toán đã được KTVNN kiểm tra…
+ Bằng chứng do các đối tượng khác phát hành được lưu trữ tại đơn vị được kiểm toán:
Ví dụ 13: Hóa đơn nhà cung cấp, Phiếu xuất kho kiêm biên bản bàn giao TSCĐ, vé tàu xe, Báo cáo của các đơn vị cấp dưới, các đơn vị liên doanh, liên kết gửi cho đơn vị....
- Đối với tài liệu, thông tin được sử dụng làm bằng chứng kiểm toán do đơn vị được kiểm toán cung cấp trên cơ sở sử dụng kết quả công việc của cán bộ chuyên môn của đơn vị hoặc chuyên gia do đơn vị được kiểm toán thuê thực hiện theo quy định từ Đoạn 38 đến Đoạn 47 CMKTNN số 1500 - Bằng chứng kiểm toán trong kiểm toán tài chính, trong đó lưu ý:
+ Đánh giá năng lực, khả năng và tính khách quan của cán bộ chuyên môn của đơn vị được kiểm toán hoặc chuyên gia do đơn vị được kiểm toán thuê, loại trừ được các yếu tố ảnh hưởng đến tính độc lập, khách quan như: nguy cơ tư lợi, nguy cơ về sự bào chữa, nguy cơ về sự quen thuộc, nguy cơ bị đe dọa... bởi đó là nhân tố ảnh hưởng quan trọng đến độ tin cậy của tài liệu, thông tin do họ tạo ra được kiểm toán, KTVNN cần hiểu biết về công việc của cán bộ chuyên môn của đơn vị được kiểm toán, chuyên gia do đơn vị được kiểm toán thuê như hiểu biết về lĩnh vực chuyên môn có liên quan.
+ Đánh giá tính thích hợp của kết quả công việc của cán bộ chuyên môn của đơn vị được kiểm toán, chuyên gia do đơn vị được kiểm toán thuê. KTVNN phải đánh giá độ tin cậy của tài liệu, thông tin đó cho mục đích kiểm toán bằng cách thu thập bằng chứng về tính chính xác và tính đầy đủ của tài liệu, thông tin được sử dụng làm bằng chứng kiểm toán và đánh giá mức độ chính xác và chi tiết của tài liệu, thông tin đó cho mục đích kiểm toán.
Ví dụ 14: Sử dụng kết quả kiểm toán của Kiểm toán nội bộ của đơn vị được kiểm toán, báo cáo xác định giá trị quyền sử dụng đất của Công ty định giá do đơn vị được kiểm toán thuê, KTVNN phải thực hiện đánh giá năng lực, khả năng và tính khách quan của kiểm toán viên nội bộ và đánh giá sự thích hợp của kết quả kiểm toán của kiểm toán viên nội bộ.
c) Tài liệu, thông tin làm bằng chứng được thu thập từ bên ngoài bao gồm tài liệu, thông tin do bên ngoài phát hành và lưu trữ hoặc do chính đơn vị được kiểm toán phát hành nhưng được lưu trữ ở bên ngoài. Khi KTVNN sử dụng tài liệu, thông tin làm bằng chứng được thu thập từ bên ngoài cần lưu ý:
- Đánh giá sự cần thiết phải sử dụng thông tin, tài liệu từ đối tượng bên ngoài. Trong trường hợp KTVNN không đủ năng lực, kinh nghiệm chuyên môn trong một lĩnh vực riêng biệt cần thiết phải sử dụng chuyên gia để thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp, như: việc định giá các công cụ tài chính phức tạp, đất đai, nhà cửa, nhà xưởng và máy móc thiết bị, đồ trang sức, tác phẩm nghệ thuật, đồ cổ, tài sản vô hình, tài sản được mua và các khoản nợ từ hợp nhất kinh doanh và những tài sản có thể đã bị giảm giá trị; những tính toán thống kê về các khoản công nợ liên quan đến các hợp đồng bảo hiểm và chính sách phúc lợi của nhân viên; ước tính về trữ lượng dầu và khí; việc đánh giá các khoản nợ liên quan đến bảo vệ môi trường và chi phí giải phóng mặt bằng; diễn giải các hợp đồng, pháp luật và các quy định; việc phân tích các vấn đề phức tạp hoặc bất thường liên quan đến việc tuân thủ luật thuế; một số công việc khác cần thiết phải sử dụng chuyên gia ngoài lĩnh vực kế toán, kiểm toán.
- Đánh giá tính độc lập, khách quan của đối tượng cung cấp thông tin nhằm đảm bảo bằng chứng kiểm toán được cung cấp đáng tin cậy.
- Đánh giá tính đầy đủ, thích hợp của nguồn dữ liệu thu thập được và so sánh với các tài liệu thu thập từ các nguồn khác, xem xét tính nhất quán của các tài liệu thu thập.
Ví dụ 15: Xác nhận từ bên thứ ba; báo cáo của của các chuyên gia, dữ liệu có thể so sánh giữa các đơn vị trong cùng ngành nghề, lĩnh vực....
Ban biên tập phản hồi thông tin đến bạn.
Thư Viện Pháp Luật