Tuyên truyền, giáo dục về phòng tránh tai nạn bom mìn vật nổ sau chiến tranh
Theo quy định tại Điều 25 Nghị định 18/2019/NĐ-CP (có hiệu lực từ 20/03/2019) về quản lý và thực hiện hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn vật nổ sau chiến tranh thì:
1. Tuyên truyền, giáo dục về phòng tránh tai nạn bom mìn vật nổ sau chiến tranh nhằm cung cấp kiến thức về các loại bom mìn vật nổ, tác hại của bom mìn vật nổ, biện pháp phòng tránh tai nạn bom mìn vật nổ, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong thực hiện phòng tránh tai nạn bom mìn vật nổ và quy định của pháp luật có liên quan.
2. Việc tuyên truyền, giáo dục về phòng tránh tai nạn bom mìn vật nổ sau chiến tranh được thực hiện bằng nhiều hình thức phù hợp với các đối tượng, bao gồm:
a) Thông qua trang thông tin điện tử của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, địa phương và các phương tiện thông tin đại chúng;
b) Xây dựng tài liệu chuyên đề, tạp chí, tờ rơi về hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn vật nổ sau chiến tranh, trong đó có tài liệu bằng tiếng dân tộc;
c) Tổ chức triển lãm, hội thảo, tập huấn, diễn tập tuyên truyền, giáo dục về phòng tránh tai nạn bom mìn vật nổ sau chiến tranh;
d) Lồng ghép kiến thức tuyên truyền, giáo dục về phòng tránh tai nạn bom mìn vật nổ sau chiến tranh vào chương trình giáo dục công dân và giáo dục quốc phòng của các cấp học tại các địa phương có ô nhiễm bom mìn vật nổ;
đ) Tổ chức diễn đàn để phổ biến rộng rãi về chính sách, pháp luật, chia sẻ thông tin và kinh nghiệm về phòng tránh tai nạn bom mìn vật nổ sau chiến tranh.
Trên đây là nội dung quy định về việc tuyên truyền, giáo dục về phòng tránh tai nạn bom mìn vật nổ sau chiến tranh. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, bạn nên tham khảo thêm tại Nghị định 18/2019/NĐ-CP.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật