Có được chuyển nhân viên đi làm việc khác quá 02 tháng?
Theo quy định tại Bộ luật lao động 2012 thì người sử dụng lao động và người lao động phải tuận thủ các quy định của pháp luật tại Bộ luật lao động 2012 và các quy định pháp luật khác có liên quan, cũng như đảm bảo thực hiện các thỏa thuận của các bên trong hợp đồng lao động đã ký kết mà không trái với quy định của pháp luật. Trong đó bao gồm việc người sử dụng lao động phải đảm bảo bố trí, sắp xếp cho người lao động làm đúng công việc mà hai bên đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động và tạo các điều kiện lao động cần thiết để người lao động thực hiện công việc đó.
Tuy nhiên, pháp luật đồng thời cũng quy định trong một số trường hợp nhất thiết thì người sử dụng lao động được điều chuyển người lao động đi làm một công việc khác so với hợp đồng lao động nhưng phải tuân thủ các quy định của pháp luật về điều chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động được quy định tại Bộ luật lao động 2012 và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Theo đó, Tại Khoản 1 Điều 31 Bộ luật lao động 2012 có quy định:
"Điều 31. Chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động
1. Khi gặp khó khăn đột xuất do thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh, áp dụng biện pháp ngăn ngừa, khắc phục tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố điện, nước hoặc do nhu cầu sản xuất, kinh doanh, người sử dụng lao động được quyền tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động, nhưng không được quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong một năm, trừ trường hợp được sự đồng ý của người lao động."
Đồng thời, tại Khoản 3 Điều 8 Nghị định 05/2015/NĐ-CP cũng có quy định:
"Điều 8. Tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác
Người sử dụng lao động tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động tại Khoản 1 Điều 31 của Bộ luật Lao động được quy định như sau:
...
3. Người sử dụng lao động đã tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động đủ 60 ngày làm việc cộng dồn trong một năm, nếu tiếp tục phải tạm thời chuyển người lao động đó làm công việc khác so với hợp đồng lao động thì phải được sự đồng ý của người lao động bằng văn bản."
Như vậy: Trong một năm dương lịch, người sử dụng lao động có quyền chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động trong thời gian tối đa là 60 ngày (khoảng 02 tháng), người lao động có nghĩa vụ thực hiện khi có yêu cầu của người sử dụng lao động mà không được từ chối.
Trường hợp người sử dụng lao động muốn chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động với thời gian dài hơn (hơn 60 ngày trong một năm dương lịch) thì khoảng thời gian điều chuyển dài hơn so với quy định phải được sự đồng ý của người lao động.
Do đó: Trường hợp công ty bạn quyết định điều chuyển bạn đi làm một công việc khác so với công việc mà bạn đang làm theo hợp đồng lao động với thời hạn điều chuyển lên đến 03 tháng trong năm 2019 mà không có sự đồng ý của bạn là không phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.
Trường hợp này bạn có thể liên hệ lại với Ban giám đốc công ty để khiếu nại về quyết định này. Nếu không được giải quyết hoặc không được giải quyết thỏa đáng thì bạn có thể khiếu nại lên Chánh thanh tra về lao động trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để được giải quyết theo thẩm quyền.
Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật