Trưng cầu ý dân được hiểu như thế nào?
Tại Khoản 1 Điều 3 Luật trưng cầu ý dân 2015 có quy định về khái niệm trưng cầu ý dân như sau:
Trưng cầu ý dân là việc Nhà nước tổ chức để cử tri cả nước trực tiếp biểu quyết bằng hình thức bỏ phiếu quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước theo quy định của pháp luật.
Trong đó,
- Cử tri hay còn gọi là người có quyền bỏ phiếu trưng cầu ý dân là công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đủ mười tám tuổi trở lên tính đến ngày trưng cầu ý dân, trừ trường hợp sau đây:
+ Người bị kết án tử hình đang trong thời gian chờ thi hành án, người đang phải chấp hành hình phạt tù mà không được hưởng án treo, người bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự.
+ Người đã có tên trong danh sách cử tri nếu đến thời điểm bắt đầu bỏ phiếu bị kết án tử hình, phải chấp hành hình phạt tù mà không được hưởng án treo hoặc bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự.
- Các vấn đề quan trọng mà Quốc hội xem xét, quyết định trưng cầu ý dân gồm:
+ Toàn văn Hiến pháp hoặc một số nội dung quan trọng của Hiến pháp;
+ Vấn đề đặc biệt quan trọng về chủ quyền, lãnh thổ quốc gia, về quốc phòng, an ninh, đối ngoại có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của quốc gia;
+ Vấn đề đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của đất nước;
+ Vấn đề đặc biệt quan trọng khác của đất nước.
Trên đây là nội dung giải đáp về cách hiểu trưng cầu ý dân.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật