Xử lý hành vi ăn cắp điện ra sao?

Sau khi đăng bài “Ăn cắp hàng tỉ đồng vẫn không bị tội” (Tuổi Trẻ ngày 22-10) trang Pháp luật & cuộc sống đã nhận được email có tựa đề “Xử lý hình sự, cần xem xét kỹ” của bạn đọc Đức Trí (weblangthang@...). Chúng tôi đã mời luật sư Nguyễn Văn Hậu trao đổi thêm về vấn đề này. Bạn đọc Đức Trí đặt ra ba câu hỏi: - Điện lực Tân Bình đưa ra con số bồi thường dựa trên thông tư của Bộ Công thương, truy thu tối đa công suất với các thiết bị đã được lắp đặt tại thời điểm phát hiện trong khoảng thời gian được phép truy thu. Tuy nhiên, trên thực tế không phải thiết bị nào cũng chạy hết công suất, ví dụ: máy nước nóng, bóng đèn... khó có thể được mở 24/24 giờ. Nếu không tính toán hợp lý, đôi khi việc truy thu còn nhiều hơn lượng điện thực tế ăn cắp, nếu khách sạn trên mới mở được 1-2 tháng. - Về hành vi: chủ khách sạn có thể là người đặt nam châm để ăn cắp điện, nhưng giả sử có một người nào khác thực hiện hành vi này để hãm hại chủ khách sạn? - Điện lực và khách sạn là doanh nghiệp cùng ký kết hợp đồng kinh doanh sử dụng điện dân sự. Khi có vi phạm hợp đồng hoặc tranh chấp cần giải quyết bằng tòa án dân sự. Nếu tranh chấp nào cũng xử lý hình sự, vậy ai dám kinh doanh?

 

Việc Điện lực Tân Bình đưa ra con số điện thất thoát theo cách tính dựa trên thông tư của Bộ Công thương để yêu cầu khách sạn bồi thường là đúng theo quy định của pháp luật hiện hành.

Đối với hành vi trộm điện của chủ khách sạn, nếu không đủ căn cứ để truy tố hình sự thì chủ khách sạn sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Theo quy định tại khoản 1 điều 138 của Bộ luật hình sự về tội trộm cắp tài sản thì: “Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”.

Đối với giả thiết bạn đặt ra rằng có thể một người nào khác đã đặt nam châm... Theo tôi, có bốn vấn đề:

Thứ nhất, sau một tháng sử dụng mà thấy số tiền phải thanh toán thấp đột biến thì chủ khách sạn phải biết có điều khác thường.

Thứ hai, khách sạn có trách nhiệm bảo quản đồng hồ điện, các thiết bị điện... đặt trong khách sạn, do đó nếu có vấn đề phát sinh thì do lỗi quản lý của chủ khách sạn.

Thứ ba, không phân biệt do lỗi vô ý hay lỗi cố ý, người gây thiệt hại đều phải bồi thường.

Thứ tư, nếu là một vụ án hình sự thì cơ quan điều tra sẽ thu thập chứng cứ để làm sáng tỏ sự thật khách quan, có rất nhiều giả thiết sẽ được đặt ra nhưng chỉ có những giả thiết có những chứng cứ chứng minh mới được xem là sự thật của vụ án, do đó nếu như thật sự có bàn tay của người khác thì cơ quan cảnh sát điều tra sẽ tìm ra.

Việc một quan hệ dân sự trở thành một quan hệ hình sự là điều vẫn có thể xảy ra trong đời sống. Ví dụ một công dân A ký hợp đồng vay 500 triệu đồng của công dân B không tính lãi suất, thời hạn vay là 12 tháng. Rõ ràng đây là một quan hệ dân sự. Tuy nhiên, công dân A gặp khó khăn không có khả năng chi trả nữa nên đã bỏ trốn.

Lúc này, quan hệ dân sự đã trở thành quan hệ hình sự, công dân A đã phạm vào tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản được quy định tại điều 140 Bộ luật hình sự với khung hình phạt cao nhất. Hợp đồng mua bán điện giữa công ty điện lực với khách hàng cũng vậy, là một quan hệ dân sự nhưng nếu khách hàng có hành vi lấy trộm điện thì rất có khả năng quan hệ dân sự đó sẽ trở thành quan hệ hình sự.

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào