Hiểu chính xác về ký nháy

Bữa trước em có đi công chứng giấy tờ ở phòng công chứng. Em có nghe công chứng viên nói về ký nháy. Vậy Ban tư vấn hãy giúp em hiểu chính xác về ký nháy. Mong sớm nhận được phản hồi từ Ban tư vấn. Chân thành cảm ơn Ban tư vấn rất nhiều! Minh Ngọc - ngoc*****@gmail.com

Theo quy định tại Điều 9 Thông tư 04/2013/TT-BNV thì ký nháy được hiểu như sau:

1. Người đứng đầu đơn vị chủ trì soạn thảo văn bản phải kiểm tra và chịu trách nhiệm về độ chính xác của nội dung văn bản, ký nháy/tắt vào cuối nội dung văn bản (sau dấu ./.) trước khi trình Lãnh đạo cơ quan, tổ chức (nêu rõ tên cơ quan, tổ chức) ký ban hành; đề xuất mức độ khẩn; đối chiếu quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước xác định việc đóng dấu mật, đối tượng nhận văn bản, trình người ký văn bản quyết định.

2. Chánh Văn phòng giúp người đứng đầu cơ quan tổ chức kiểm tra lần cuối và chịu trách nhiệm về thể thức, kỹ thuật trình bày, thủ tục ban hành văn bản của cơ quan, tổ chức (nêu rõ tên cơ quan, tổ chức) và phải ký nháy/tắt vào vị trí cuối cùng ở “Nơi nhận”.

==> Theo quy định trên đây thì chữ ký nháy đối với văn bản hành chính xác nhận người nào có trách nhiệm rà soát, soạn thảo nên văn bản đó. Ngoài ra đối với các bản hợp đồng, bản thỏa thuận thì chữ ký nháy có vai trò ghi nhận sự thỏa thuận giữa hai bên thương lượng trước khi ký chính thức tại cuối văn bản. Chữ ký nháy có giá trị xác nhận cá nhân, cán bộ nào rà soát văn bản đó, hoặc xác nhận người đọc văn bản đã đọc hết toàn bộ nội dung văn bản tại trang mình ký nháy. 

Chữ ký nháy có thể được chia thành ba loại như sau theo tính chất cũng như vai trò của chữ ký nháy:

Loại thứ nhất: Chữ ký nháy nằm phía dưới từng trang văn bản.

Chữ ký nháy này xác nhận tính liền mạch của văn bản, người ký nháy ký tại tất cả các văn bản do mình soạn thảo hoặc do mình được kiểm tra, rà soát nội dung. Chữ ký nháy dưới từng trang có công dụng tương tự như việc đóng dấu giáp lai. Việc ký nháy vào từng trang của văn bản đối với những có nhiều trang thể hiện tính liền mạch của văn bản. Người soạn thảo hoặc người rà soát có thể tránh việc bị đối tượng xấu đánh tráo, thêm hoặc bớt một số nội dung trong các trang của văn bản.

Loại thứ hai: Chữ ký nháy tại dòng cuối cùng của văn bản.

Chữ ký nháy nằm cuối cùng nội dung của văn bản do người soạn thảo văn bản ký nháy. Người soạn thảo văn bản phải chịu trách nhiệm với nội dung soạn thảo. Khi người có thẩm quyền ký chính thức tại văn bản, dựa vào chữ ký nháy của người soạn thảo văn bản có thể nhận biết được ai là người đã soạn thảo văn bản đó, trên cơ sở đó có thể quy trách nhiệm trong trường hợp có sai sót xảy ra.

Loại thứ ba: Chữ ký nháy tại phần chức danh người có thẩm quyền hoặc tại nơi nhận:

Chữ ký nháy ở phần chức danh người có thẩm quyền là chữ ký của người có trách nhiệm kiểm tra văn bản, soát lỗi chính tả hoặc kiểm tra lại nội dung trước khi trình lên người có thẩm quyền ký chính thức.

Mong rằng những tư vấn của chúng tôi sẽ giúp giải đáp được những vướng mắc của bạn.  

Chúc sức khỏe và thành công! 

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào