Đưa nhầm thuốc cho bệnh nhân bị xử lý như thế nào?

Vì tính chất công việc là dược sĩ, tôi có thắc mắc mong nhận được sự tư vấn từ Ban biên tập. Cụ thể người cấp thuốc cho bệnh nhân cấp nhầm thuốc thì sẽ bị xử lý như thế nào? Việc xử lý dựa trên những quy định nào? Mong Ban biên tập có thể cung cấp thông tin giúp tôi, chân thành cảm ơn rất nhiều Thiên Kim - TPHCM

Theo quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 60 Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 thì khi cấp phát thuốc cho người bệnh, người được giao nhiệm vụ cấp phát thuốc phải kiểm tra đơn thuốc, phiếu lĩnh thuốc, hàm lượng, liều dùng, cách dùng, tên thuốc và chất lượng thuốc.

Trong trường hợp người cấp phát thuốc không thực hiện đúng việc kiểm tra đơn thuốc, tên thuốc dẫn đến việc cấp nhầm thuốc cho người bệnh thì tùy vào mức độ và hậu quả mà người cấp phát thuốc cho người bệnh phải chịu trách nhiệm hành chính hoặc trách nhiệm hình sự.

Hành vi này có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 31 Nghị định 176/2013/NĐ-CP, cụ thể:

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

b) Không kiểm tra đơn thuốc, phiếu lĩnh thuốc, hàm lượng, liều dùng, đường dùng, tên thuốc, số lượng và chất lượng thuốc hoặc không đối chiếu đơn thuốc với thông tin về nồng độ, hàm lượng, số lượng khi nhận thuốc và hạn sử dụng ghi trên phiếu lĩnh thuốc, nhãn thuốc khi cấp phát thuốc cho người bệnh, người được giao nhiệm vụ cấp phát thuốc;

Trường hợp gây ra hậu quả nghiêm trọng, đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác tại Điều 315 Bộ luật Hình sự 2015, được sửa đổi bởi Khoản 117 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017:

1. Người nào vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 259 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Làm chết người;

b) Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Làm chết 02 người;

b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Làm chết 03 người trở lên;

b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Ban biên tập thông tin đến bạn!

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào