Công ty trích lương thực nhận để đóng Đoàn phí công đoàn có đúng không?
Theo quy định hiện hành tại Luật Công đoàn 2012 thì tài chính công đoàn bao gồm các nguồn thu sau đây:
- Đoàn phí công đoàn;
- Kinh phí công đoàn;
- Ngân sách nhà nước cấp hỗ trợ;
- Nguồn thu khác từ hoạt động văn hóa, thể thao, hoạt động kinh tế của Công đoàn; từ đề án, dự án do Nhà nước giao; từ viện trợ, tài trợ của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài.
Trong đó, Đoàn phí công đoàn do đoàn viên đóng hằng tháng theo quy định của pháp luật.
Theo đó, theo quy định tại Quyết định 1908/QĐ-TLĐ năm 2016 thì mức đóng đoàn phí hàng tháng của Đoàn viên ở các công đoàn cơ sở doanh nghiệp ngoài nhà nước (bao gồm cả công đoàn Công ty cổ phần mà nhà nước không giữ cổ phần chi phối) bằng 1% tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về Bảo hiểm xã hội.
Lưu ý: Mức đóng đoàn phí hàng tháng tối đa chỉ bằng 10% mức lương cơ sở theo quy định của Nhà nước, cụ thể như sau:
- Trước 01/07/2019: Mức đóng đoàn phí hàng tháng tối đa bằng 139.000 đồng/tháng.
- Từ 01/07/2019 trở đi: Mức đóng đoàn phí hàng tháng tối đa bằng 149.000 đồng/tháng.
Như vậy: Căn cứ quy định được trích dẫn trên đây thì mức tiền lương làm căn cứ đóng đoàn phí hàng tháng của Đoàn viên ở các công đoàn cơ sở doanh nghiệp ngoài nhà nước là mức tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về Bảo hiểm xã hội, chứ không phải là mức lương thực nhận của Đoàn viên tại công ty.
Do đó: Việc công ty bạn hàng tháng trích 1% tiền lương thực nhận của bạn để đóng đoàn phí công đoàn là không phù hợp với quy định của pháp luật.
Bạn có thể khiếu nại hoặc khởi kiện công ty theo quy định của pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật