Nguyên tắc ký thừa lệnh Tổng Giám đốc
Tại Điều 31 Quyết định 2596/QĐ-BHXH năm 2018 về Quy chế làm việc của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, có quy định nguyên tắc ký thừa lệnh Tổng Giám đốc như sau:
1. Văn bản ký thừa lệnh Tổng Giám đốc phải được Tổng Giám đốc hoặc Phó Tổng Giám đốc phụ trách phê duyệt về nội dung trước khi ký ban hành (trừ những văn bản đề nghị BHXH tỉnh cung cấp thông tin phục vụ công tác thuộc chức năng, nhiệm vụ của đơn vị; xác nhận hồ sơ, lý lịch; phiếu chuyển đơn thư; công văn triệu tập, giấy mời họp; giấy giới thiệu liên hệ công tác và một số văn bản đã có ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Ngành).
2. Không ký thừa lệnh Tổng Giám đốc văn bản gửi các cơ quan và lãnh đạo các cơ quan sau: Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; các Ban, Ngành Trung ương; tỉnh, thành ủy; Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
3. Tùy theo tính chất và đặc thù công việc, Thủ trưởng đơn vị có thể giao cấp phó ký thay một số văn bản quy định tại Điều 30 Quy chế này.
4. Người ký thừa lệnh Tổng Giám đốc phải chịu trách nhiệm trước Tổng Giám đốc và trước pháp luật về toàn bộ nội dung văn bản ký thừa lệnh.
5. Khi phát hành văn bản ký thừa lệnh, phải gửi để báo cáo Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc phụ trách; đối với văn bản do Phó Thủ trưởng đơn vị ký phải gửi báo cáo cả Thủ trưởng đơn vị (thể hiện ở nơi nhận văn bản; trừ những văn bản xác nhận hồ sơ; lý lịch, phiếu chuyển đơn thư).
Trên đây là nội dung tư vấn.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật