Chi phí bảo trì công trình đường thủy nội địa được quy định như thế nào?
Tại Điều 4 Thông tư 01/2019/TT-BGTVT quy định về quản lý và bảo trì công trình đường thủy nội địa do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành, có hiệu lực từ 01/03/2019, có quy định về chi phí bảo trì như sau:
Chi phí bảo trì công trình đường thủy nội địa thực hiện theo quy định tại Điều 42 Nghị định số 46/2015/NĐ-CP. Cụ thể:
Điều 42. Chi phí bảo trì công trình xây dựng
1. Kinh phí bảo trì công trình xây dựng được hình thành từ các nguồn sau đây:
a) Ngân sách nhà nước (ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương) phân bổ hàng năm đối với dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước;
b) Nguồn thu phí sử dụng công trình xây dựng ngoài ngân sách nhà nước;
c) Nguồn vốn của chủ đầu tư, chủ sở hữu đối với các công trình kinh doanh;
d) Nguồn đóng góp và huy động của các tổ chức, cá nhân;
đ) Các nguồn vốn hợp pháp khác.
2. Chi phí lập, thẩm tra quy trình bảo trì công trình xây dựng:
a) Chi phí lập, thẩm tra quy trình bảo trì công trình xây dựng được tính trong tổng mức đầu tư xây dựng công trình;
b) Chi phí lập, thẩm tra quy trình bảo trì công trình xây dựng đối với công trình đã đưa vào khai thác, sử dụng nhưng chưa có quy trình bảo trì được tính trong chi phí bảo trì công trình xây dựng;
c) Chi phí điều chỉnh quy trình bảo trì công trình xây dựng nằm trong chi phí bảo trì công trình xây dựng. Nhà thầu lập quy trình bảo trì công trình xây dựng có trách nhiệm chi trả chi phí thực hiện điều chỉnh quy trình bảo trì công trình xây dựng trong trường hợp việc phải thực hiện điều chỉnh này do lỗi của mình gây ra.
3. Dự toán bảo trì công trình xây dựng:
a) Dự toán bảo trì công trình xây dựng (sau đây gọi tắt là dự toán bảo trì) được xác định theo công việc bảo trì cụ thể và là căn cứ để chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình quản lý chi phí bảo trì công trình xây dựng;
b) Dự toán bảo trì được lập căn cứ trên cơ sở khối lượng các công việc xác định theo kế hoạch bảo trì và đơn giá xây dựng theo quy định của cấp có thẩm quyền phục vụ bảo trì công trình xây dựng để thực hiện khối lượng công việc đó;
c) Chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình có trách nhiệm tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt dự toán bảo trì đối với các công trình sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước và vốn nhà nước ngoài ngân sách để thực hiện bảo trì công trình xây dựng.
Đối với các công trình sử dụng nguồn vốn khác, khuyến khích chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt dự toán chi phí bảo trì;
d) Các cơ quan quy định tại Khoản 2, Khoản 3, Khoản 4 Điều 51 Nghị định này căn cứ phương pháp lập định mức xây dựng phục vụ bảo trì công trình xây dựng do Bộ Xây dựng hướng dẫn, tổ chức xây dựng và công bố các định mức xây dựng phục vụ bảo trì cho các công trình phù hợp với đặc thù của Bộ, địa phương và gửi về Bộ Xây dựng để theo dõi, quản lý.
4. Chủ sở hữu công trình hoặc người quản lý, sử dụng công trình phê duyệt dự toán bảo trì công trình xây dựng theo quy định của pháp luật về quản lý chi phí trong hoạt động xây dựng.
5. Quản lý, thanh toán, quyết toán chi phí bảo trì công trình xây dựng:
a) Đối với công trình xây dựng sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình có trách nhiệm quản lý, thanh toán, quyết toán kinh phí bảo trì công trình xây dựng theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các quy định khác của pháp luật có liên quan;
b) Đối với công trình xây dựng không sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước để thực hiện bảo trì, chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình chịu trách nhiệm quản lý kinh phí thực hiện bảo trì và thanh toán, quyết toán chi phí bảo trì công trình xây dựng.
6. Đối với trường hợp quy định tại Khoản 8 Điều 40 Nghị định này, chi phí bảo trì công trình xây dựng được tính trong tổng mức đầu tư xây dựng công trình.
Trên đây là nội dung tư vấn.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật