Mức đóng đoàn phí công đoàn năm 2019
Căn cứ pháp lý: Luật Công đoàn 2012; Điều lệ Công đoàn Việt Nam 2013; Quyết định 1908/QĐ-TLĐ năm 2016 do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành.
Theo quy định hiện hành tài chính công đoàn bao gồm các nguồn thu sau đây:
- Đoàn phí công đoàn;
- Kinh phí công đoàn;
- Ngân sách nhà nước cấp hỗ trợ;
- Nguồn thu khác từ hoạt động văn hóa, thể thao, hoạt động kinh tế của Công đoàn; từ đề án, dự án do Nhà nước giao; từ viện trợ, tài trợ của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài.
Trong đó, Đoàn phí công đoàn do đoàn viên đóng hằng tháng bằng một phần trăm (1%) tiền lương.
Mức đóng Đoàn phí công đoàn năm 2019 cụ thể như sau:
1. Đối với Đoàn viên ở các công đoàn cơ sở doanh nghiệp nhà nước (bao gồm cả công đoàn Công ty cổ phần nhà nước giữ cổ phần chi phối):
Mức đóng đoàn phí = (Tiền lương) x 1%
Trong đó: - Tiền lương là tiền lương thực lĩnh đã khấu trừ tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, thuế thu nhập cá nhân của đoàn viên.
Lưu ý: Mức đóng đoàn phí hàng tháng tối đa chỉ bằng 10% mức lương cơ sở theo quy định của Nhà nước, cụ thể như sau:
- Trước 01/07/2019: Mức đóng đoàn phí hàng tháng tối đa bằng 139.000 đồng/tháng.
- Từ 01/07/2019 trở đi: Mức đóng đoàn phí hàng tháng tối đa bằng 149.000 đồng/tháng.
2. Đối với Đoàn viên ở các công đoàn cơ sở doanh nghiệp ngoài nhà nước (bao gồm cả công đoàn Công ty cổ phần mà nhà nước không giữ cổ phần chi phối):
Mức đóng đoàn phí = (Tiền lương) x 1%
Trong đó: Tiền lương là tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về Bảo hiểm xã hội.
Lưu ý: Mức đóng đoàn phí hàng tháng tối đa chỉ bằng 10% mức lương cơ sở theo quy định của Nhà nước, cụ thể như sau:
- Trước 01/07/2019: Mức đóng đoàn phí hàng tháng tối đa bằng 139.000 đồng/tháng.
- Từ 01/07/2019 trở đi: Mức đóng đoàn phí hàng tháng tối đa bằng 149.000 đồng/tháng.
Mức đóng đoàn phí trên đây đồng thời áp dụng đối với các Đoàn viên ở các công đoàn cơ sở của Đơn vị sự nghiệp ngoài công lập hưởng tiền lương không theo bảng lương, bậc lương do Nhà nước quy định; Liên hiệp hợp tác xã; Các tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; Văn phòng điều hành của phía nước ngoài trong hợp đồng hợp tác kinh doanh tại Việt Nam; Đoàn viên công đoàn công tác ở nước ngoài.
3. Đối với Đoàn viên ở các nghiệp đoàn, công đoàn cơ sở doanh nghiệp khó xác định tiền lương làm căn cứ đóng đoàn phí; đoàn viên công đoàn không thuộc đối tượng đóng bảo hiểm xã hội:
Mức đóng đoàn phí theo mức ấn định nhưng mức đóng thấp nhất bằng 1 % mức lương cơ sở theo quy định của Nhà nước, cụ thể như sau:
- Trước 01/07/2019: Mức đóng đoàn phí theo mức ấn định nhưng mức đóng thấp nhất bằng 13.900 đồng/tháng.
- Từ 01/07/2019 trở đi: Mức đóng đoàn phí theo mức ấn định nhưng mức đóng thấp nhất bằng 14.900 đồng/tháng.
Ghi chú chung:
- Các công đoàn cơ sở được thu đoàn phí công đoàn của đoàn viên hàng tháng bằng 1% tiền lương thực lĩnh (tiền lương đã khấu trừ tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, thuế thu nhập cá nhân của đoàn viên) hoặc quy định mức thu cao hơn 1% tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội nếu được Ban Chấp hành công đoàn cơ sở mở rộng (từ tổ trưởng công đoàn trở lên) đồng ý bằng Nghị quyết, có văn bản và được quy định cụ thể trong Quy chế chi tiêu nội bộ của công đoàn cơ sở.
- Tiền đoàn phí công đoàn phần thu tăng thêm so với quy định được để lại 100% cho công đoàn cơ sở bổ sung chi hoạt động theo đúng quy định; khi báo cáo quyết toán, công đoàn cơ sở phải tách riêng số tiền đoàn phí công đoàn tăng thêm theo mẫu quy định để có cơ sở tính số phải nộp về cấp trên.
- Đoàn viên công đoàn hưởng trợ cấp Bảo hiểm xã hội từ 01 tháng trở lên, trong thời gian hưởng trợ cấp không phải đóng đoàn phí; đoàn viên công đoàn không có việc làm, không có thu nhập, nghỉ việc riêng từ 01 tháng trở lên không hưởng tiền lương, trong thời gian đó không phải đóng đoàn phí.
Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật