Cách tính thuế TNCN từ chuyển nhượng vốn của người không cư trú năm 2019

Vui lòng hướng dẫn giúp tôi trường hợp sau đây: Khi cá nhân không cư trú tại Việt Nam mà cư trú ở nước ngoài có phát sinh thui nhập từ hoạt động chuyển nhượng vốn tại Việt Nam thì số thuế TNCN phải nộp của cá nhân không cư trú trong trường hợp này tính thế nào?

Căn cứ pháp lý: Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 (sửa đổi năm 2012 và năm 2014); Thông tư 111/2013/TT-BTC; Thông tư 92/2015/TT-BTC.

Theo quy định tại hiện hành thì thu nhập của cá nhân không cư trú từ hoạt động chuyển nhượng vốn phải chịu thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật. Thu nhập từ chuyển nhượng vốn là khoản thu nhập cá nhân nhận được bao gồm:

- Thu nhập từ chuyển nhượng vốn góp trong công ty trách nhiệm hữu hạn (bao gồm cả công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên), công ty hợp danh, hợp đồng hợp tác kinh doanh, hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức kinh tế, tổ chức khác.

- Thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán, bao gồm: thu nhập từ chuyển nhượng cổ phiếu, quyền mua cổ phiếu, trái phiếu, tín phiếu, chứng chỉ quỹ và các loại chứng khoán khác. Thu nhập từ chuyển nhượng cổ phiếu của các cá nhân trong công ty cổ phần.

- Thu nhập từ chuyển nhượng vốn dưới các hình thức khác.

Căn cứ tính thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng vốn của cá nhân không cư trú là tổng số tiền mà cá nhân không cư trú nhận được từ việc chuyển nhượng phần vốn tại các tổ chức, cá nhân Việt Nam (gọi tắt là thu nhập tính thuế TNCN) và thuế suất, không phân biệt việc chuyển nhượng được thực hiện tại Việt Nam hay tại nước ngoài.

Số thuế thu nhập cá nhân từ hoạt động chuyển nhượng vốn của cá nhân không cư trú phải nộp được tính theo công thức sau đây:

Thuế TNCN phải nộp = (Thu nhập tính thuế TNCN) x (Thuế suất thuế TNCN)

TRONG ĐÓ:

(1) Thu nhập tính thuế TNCN là tổng số tiền mà cá nhân không cư trú nhận được từ việc chuyển nhượng phần vốn tại các tổ chức, cá nhân Việt Nam.

Tổng số tiền mà cá nhân không cư trú nhận được từ việc chuyển nhượng phần vốn tại các tổ chức, cá nhân Việt Nam là giá chuyển nhượng vốn không trừ bất kỳ khoản chi phí nào kể cả giá vốn.

Giá chuyển nhượng đối với từng trường hợp cụ thể được xác định như sau:

- Trường hợp chuyển nhượng phần vốn góp thì giá chuyển nhượng được xác định như sau:

Giá chuyển nhượng là số tiền mà cá nhân nhận được theo hợp đồng chuyển nhượng vốn.

Trường hợp hợp đồng chuyển nhượng không quy định giá thanh toán hoặc giá thanh toán trên hợp đồng không phù hợp với giá thị trường thì cơ quan thuế có quyền ấn định giá chuyển nhượng theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

- Trường hợp chuyển nhượng chứng khoán thì giá chuyển nhượng được xác định như sau:

+ Đối với chứng khoán của công ty đại chúng giao dịch trên Sở Giao dịch chứng khoán, giá chuyển nhượng chứng khoán là giá thực hiện tại Sở Giao dịch chứng khoán. Giá thực hiện là giá chứng khoán được xác định từ kết quả khớp lệnh hoặc giá hình thành từ các giao dịch thỏa thuận tại Sở Giao dịch chứng khoán.

+ Đối với chứng khoán không thuộc trường hợp nêu trên, giá chuyển nhượng là giá ghi trên hợp đồng chuyển nhượng hoặc giá thực tế chuyển nhượng hoặc giá theo sổ sách kế toán của đơn vị có chứng khoán chuyển nhượng tại thời điểm lập báo cáo tài chính gần nhất theo quy định của pháp luật về kế toán trước thời điểm chuyển nhượng.

(2) Thuế suất thuế TNCN: Thuế suất thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập của cá nhân không cư trú từ hoạt động chuyển nhượng vốn là 0,1%.

Thời điểm xác định thu nhập tính thuế được xác định như sau:

- Đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn góp của cá nhân không cư trú là thời điểm hợp đồng chuyển nhượng vốn góp có hiệu lực.

- Đối với thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán của cá nhân không cư trú được xác định như sau:

+ Đối với chứng khoán của công ty đại chúng giao dịch trên Sở Giao dịch chứng khoán là thời điểm người nộp thuế nhận thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán.

+ Đối với chứng khoán của công ty đại chúng không thực hiện giao dịch trên Sở Giao dịch chứng khoán mà chỉ thực hiện chuyển quyền sở hữu qua hệ thống chuyển quyền của Trung tâm lưu ký chứng khoán là thời điểm chuyển quyền sở hữu chứng khoán tại Trung tâm lưu ký chứng khoán.

+ Đối với chứng khoán không thuộc trường hợp nêu trên là thời điểm hợp đồng chuyển nhượng chứng khoán có hiệu lực.

+ Đối với trường hợp góp vốn bằng chứng khoán mà chưa phải nộp thuế khi góp vốn thì thời điểm xác định thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán do góp vốn là thời điểm cá nhân chuyển nhượng vốn, rút vốn.

Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Cư trú

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào