Người mất tích trở về có được hưởng lương hưu trong thời gian chưa nhận không?
Tại Khoản 1 Điều 64 Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định:
Người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng bị tạm dừng, hưởng tiếp lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Xuất cảnh trái phép;
b) Bị Toà án tuyên bố là mất tích;
c) Có căn cứ xác định việc hưởng bảo hiểm xã hội không đúng quy định của pháp luật.
Tại Khoản 1 Điều 68 Bộ luật dân sự 2015 quy định:
1. Khi một người biệt tích 02 năm liền trở lên, mặc dù đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo, tìm kiếm theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự nhưng vẫn không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hay đã chết thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Tòa án có thể tuyên bố người đó mất tích.
Theo đó, khi Tòa án ra quyết định tuyên bố mất tích, tạm thời tư cách chủ thể hưởng lương hưu của người bị tuyên bố mất tích bị dừng lại. Tuy nhiên quyết định này không làm chấm dứt tư cách chủ thể của họ, nên người bị Tòa án tuyên bố mất tích thuộc trường hợp bị tạm dừng hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng.
Theo Khoản 1 Điều 23 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH về tạm dừng, hưởng tiếp lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng.
“1. Người bị dừng hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng do bị Tòa án tuyên bố là mất tích, sau đó được Tòa án hủy quyết định tuyên bố là mất tích thì được tiếp tục hưởng và được nhận tiền lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng của những tháng chưa nhận, không bao gồm tiền lãi”.
Như vậy, người này quay về và Tòa án ra quyết định hủy quyết định tuyên bố mất tích thì sẽ được hưởng tiếp lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng. Bên cạnh đó, người này còn được nhận tiền lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng của những tháng chưa nhận.
Lưu ý: Khi nhận lương hưu, tiền trợ cấp hằng tháng chưa nhận thì sẽ không bao gồm tiền lãi.
Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi đối với yêu cầu hỗ trợ của bạn.
Trân trọng!
Hồ Văn Ngọc