Ai phải chịu rủi ro khi mua căn hộ chung cư?
Điều 162 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:
1. Chủ sở hữu phải chịu rủi ro về tài sản thuộc sở hữu của mình, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
2. Chủ thể có quyền khác đối với tài sản phải chịu rủi ro về tài sản trong phạm vi quyền của mình, trừ trường hợp có thỏa thuận khác với chủ sở hữu tài sản hoặc Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
Điều 107 Luật Nhà ở 2014 quy định về bảo trì nhà chung cư:
1. Bảo trì nhà chung cư bao gồm bảo trì phần sở hữu riêng và bảo trì phần sở hữu chung. Chủ sở hữu nhà chung cư có trách nhiệm bảo trì phần sở hữu riêng và đóng góp kinh phí để thực hiện bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư.
2. Việc đóng góp kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu được thực hiện theo quy định tại Điều 108 của Luật này; việc sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung có nhiều chủ sở hữu được thực hiện theo quy định tại Điều 109 của Luật này.
3. Nội dung bảo trì, quy trình bảo trì và việc quản lý hồ sơ bảo trì nhà chung cư được thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng.
Như vậy, về nguyên tắc nếu tài sản được giao cho bên mua thì bên mua chịu rủi ro đối với tài sản kể từ thời điểm nhận tài sản, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác. Ngoài ra, theo quy định thì nhà chung cư luôn luôn phải được bảo trì thường xuyên, tránh xuống cấp, gây hậu quả nghiêm trọng. Trường hợp chủ sở hữu đã đóng góp kinh phí cho chủ đầu tư thực hiện việc bảo trì mà chủ đầu tư không thực hiện việc bảo trì như đúng thỏa thuận gây xuống cấp thì trách nhiệm thuộc hoàn toàn về chủ đầu tư. Do đó, việc xác định ai phải chịu rủi ro cần căn cứ vào tình huống cụ thể mới có thể xác định.
Trân trọng!