Ngân hàng bán đấu giá tài sản thế chấp có cần sự đồng ý của chủ sở hữu không?
Theo quy định tại Điều 299 Bộ luật Dân sự 2015 về các trường hợp xử lý tài sản đảm bảo
1. Đến hạn thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.
2. Bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm trước thời hạn do vi phạm nghĩa vụ theo thỏa thuận hoặc theo quy định của luật.
3. Trường hợp khác do các bên thỏa thuận hoặc luật có quy định.
==> Như vậy, theo quy định trên đây thì nếu như đến hạn mà bạn không có khả năng thanh toán khoản nợ coi như bạn đã vi phạm nghĩa vụ. Ngân hàng có quyền xử lý tài sản đảm bảo là căn nhà mà bạn đã thế chấp ngân hàng.
Theo quy định tại Điều 303 Bộ luật Dân sự 2015 về phương thức xử lý tài sản thế chấp gồm:
+ Bán đấu giá tài sản;
+ Bên nhận bảo đảm tự bán tài sản;
+ Bên nhận bảo đảm nhận chính tài sản để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm;
+ Phương thức khác.
Trường hợp không có thỏa thuận về phương thức xử lý tài sản bảo đảm thì tài sản được bán đấu giá, trừ trường hợp luật có quy định khác.
Theo quy định tại Khoản 6 Điều 320 Bộ luật Dân sự 2015 thì bên thế chấp có nghĩa vụ giao tài sản thế chấp cho bên nhận thế chấp để xử lý khi thuộc một trong các trường hợp xử lý tài sản bảo đảm.
==> Theo như những quy định trên đây thì nếu như đến hạn mà bạn không có khả năng thanh toán thì coi như bạn đã vi phạm nghĩa vụ. Ngân hàng có quyền xử lý tài sản theo những phương thức mà 2 bên đã thỏa thuận trong hợp đồng. Nếu 2 bên không thỏa thuận về phương thức xử lý tài sản bảo đảm thì ngân hàng có quyền bán đấu giá nhà của bạn. Bạn có nghĩa vụ phải giao nhà cho ngân hàng bán đấu giá. Ngân hàng có quyền bán đấu giá nhà của bạn mà không cần có sự đồng ý của bạn.
Mong rằng những tư vấn của chúng tôi sẽ giúp giải đáp được những vướng mắc của bạn.
Chúc sức khỏe và thành công!
Thư Viện Pháp Luật