Công ty không thanh toán tiền lương

Tôi bắt đầu đi làm tại một công ty tư nhân từ tháng 10/2010. Công ty đã cho tôi được thử việc và làm việc tới bây giờ là 3 tháng nhưng lại không được ký kết hợp đồng lao động, không có bảo hiểm lao động. Tôi được biết người lao động làm việc dưới 12 tháng khi nghỉ phải báo trước 3 ngày. Nhưng khi cuối tháng thứ ba tôi nghỉ làm và đã có xin nghỉ trước đến một tuần, nhưng đến nay tôi vẫn chưa nhận được tiền lương ( làm 3 tháng nhưng chỉ nhận được 520.000đ , giữ lương 30 ngày, tháng 12 không thanh toán và lấy lý do nghỉ ngang, không báo trước và không hoàn trả lương cho tôi). Thời gian làm việc của Công ty từ 7h30 đến 19h30 (không trực), nếu trực thì tới 21h, riêng ngày 15/12 trực từ 7h30 đến 22h. Điều này cũng vi phạm Luật lao động đúng không ạ. Tôi rất thắc mắc muốn được giải đáp ngay.

Trường hợp bạn hỏi chúng tôi trả lời như sau: theo Điều 32 Bộ luật Lao động (BLLĐ) quy định: “Người sử dụng Lao động và người lao động thỏa thuận về việc làm thử, thời gian thử việc, về quyền, nghĩa vụ của hai bên. Tiền lương của người lao động trong thời gian thử việc ít nhất phải bằng 70% mức lương cấp bậc của công việc đó. Thời gian thử việc không quá 60 ngày đối với lao động chuyên môn kỹ thuật cao và không quá 30 ngày đối với lao động khác”.

Theo bạn nêu, bạn bắt đầu làm thử việc tại công ty từ tháng 10/2010, tới thời điểm bạn nghỉ là 3 tháng. Như vậy, công ty bạn thực hiện thời gian thử việc đối với bạn không đúng pháp luật.

Thời gian thử việc chưa phải là thời gian làm việc chính thức theo HĐLĐ, nên không thuộc diện đóng BHXH, BHYT.

Trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền hủy bỏ thỏa thuận làm thử mà không cần báo trước và không phải bồi thường; nếu việc làm thử đạt yêu cầu thì người sử dụng lao động phải nhận người lao động vào làm việc chính thức như đã thỏa thuận. Việc công ty bạn giữ lương 30 ngày, tháng thứ 3 không thanh toán và lấy lý do nghỉ ngang, không báo trước và không hoàn trả lương cho bạn là không đúng pháp luật.

Theo quy định tại Điều 68 BLLĐ “Thời giờ làm việc không quá 8 giờ trong một ngày hoặc 48 giờ trong một tuần”, Điều 69 BLLĐ “ Người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận làm thêm giờ, nhưng không quá bốn giờ trong một ngày, 200 giờ trong một năm, trừ trường hợp đặc biệt được làm thêm không được quá 300 giờ trong một năm do Chính phủ quy định, sau khi tham khảo ý kiến của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và đại diện của người lao động”.

Thời gian làm việc của Công ty từ 7h30 đến 19h30 (không trực), nếu chỉ tính riêng một ngày làm việc thêm giờ như vậy thì chưa quá 4 giờ theo quy định của pháp luật, tuy nhiên, nếu thời gian đi làm thêm của bạn vượt quá 200 giờ của một năm thì công ty đã vi phạm Luật lao động về làm thêm giờ.

Căn cứ quy định trên, việc người lao động trực từ 7h30 tới 21h và riêng ngày 15/12 trực từ 7h30 đến 22h là không đúng pháp luật.

 

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Tiền lương

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào