DN bắt buộc tự kiểm tra việc chấp hành pháp luật lao động ít nhất 01 lần/năm?
Theo quy định pháp luật hiện hành thì tự kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động là hoạt động tự thu thập, phân tích, đánh giá việc chấp hành các quy định của pháp luật lao động của người sử dụng lao động tại nơi sản xuất, kinh doanh.
Theo đó, theo quy định tại Điều 4 Thông tư 17/2018/TT-BLĐTBXH (có hiệu lực thi hành từ 01/01/2019) thì hoạt động tự kiểm tra việc chấp hành pháp luật lao động tại cơ sở được quy định như sau:
- Người sử dụng lao động phải tổ chức tự kiểm tra việc chấp hành pháp luật lao động tại cơ sở của mình ít nhất một (01) lần trong năm nhằm đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật lao động và có giải pháp cải tiến việc tuân thủ.
- Thời gian tự kiểm tra cụ thể do người sử dụng lao động quyết định.
- Thời kỳ tự kiểm tra: từ ngày đầu tiên tháng một dương lịch của năm trước đến thời điểm kiểm tra.
Như vậy: Căn cứ quy định được trích dẫn trên đây thì từ 01/01/2019, người sử dụng lao động (trong đó bao gồm các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân,... có sử dụng lao động) phải tổ chức tự kiểm tra việc chấp hành pháp luật lao động tại cơ sở của mình ít nhất 01 lần/năm để đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật lao động và có giải pháp cải tiến việc tuân thủ pháp luật lao động.
Do đó: Đối với trường hợp công ty bạn là Công ty trách nhiệm hữu hạn một thanh viên thương mại và dịch vụ, thì công ty bạn có trách nhiệm tổ chức tự kiểm tra việc chấp hành pháp luật lao động tại công ty ít nhất 01 lần/năm từ ngày 01/01/2019.
Công ty tự kiểm tra pháp luật lao động với các nội dung sau đây:
- Việc thực hiện báo cáo định kỳ;
- Việc tuyển dụng và đào tạo lao động;
- Việc giao kết và thực hiện hợp đồng lao động;
- Việc đối thoại, thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể;
- Thời giờ làm việc và nghỉ ngơi;
- Việc trả lương cho người lao động;
- Việc tổ chức, thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động;
- Việc thực hiện các quy định đối với lao động nữ, lao động là người cao tuổi, lao động chưa thành niên, lao động là người khuyết tật, lao động là người nước ngoài;
- Việc xây dựng và đăng ký nội quy lao động; xử lý kỷ luật lao động, bồi thường trách nhiệm vật chất;
- Việc tham gia và trích đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế hàng tháng cho người lao động thuộc đối tượng phải tham gia;
- Việc giải quyết tranh chấp và khiếu nại về lao động;
- Nội dung khác mà người sử dụng lao động thấy cần thiết.
Công ty không thực hiện tự kiểm tra việc chấp hành pháp luật lao động theo quy định sẽ bị xử lý như sau:
Trường hợp công ty không thực hiện tự kiểm tra việc chấp hành pháp luật lao động theo quy định sẽ bị cơ quan thanh tra nhà nước về lao động tiến hành thanh tra đột xuất hoặc đưa vào kế hoạch thanh tra năm sau, đồng thời đây còn là tình tiết tăng nặng để quyết định mức xử phạt vi phạm hành chính, nếu gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự và bị xử lý bằng các hình thức khác theo quy định của pháp luật.
Ngược lại nếu công ty thực hiện tốt việc tự kiểm tra việc chấp hành pháp luật lao động theo quy định thì có thể được Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét tặng Bằng khen theo đề nghị của Chánh thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; hoặc được Chánh thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét tặng Giấy khen.
Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật