Ông bà có được giành quyền nuôi cháu ngoại không?
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 81 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 thì:
Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
Như vậy, vấn đề ai sẽ là người nuôi con sau khi ly hôn sẽ do 02 vợ chồng người con thỏa thuận, nếu hai vợ chồng không thể thỏa thuận thì Tòa án sẽ xem xét, quyết định dựa trên các yếu tố như vật chất, tinh thần, nguyện vọng của con (nếu con đủ 07 tuổi),... để đảm bảo sự phát triển tốt nhất cho đứa trẻ.
Trường hợp cả hai vợ chồng đều bị Tòa án tuyên không đủ điều kiện trực tiếp nuôi con thì lúc này quyền nuôi con được chuyển cho người thân thích theo quy định tại Điểm b Khoản 2 và Điểm a Khoản 5 Điều 84 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014:
2. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:
b) Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
5. Trong trường hợp có căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều này thì trên cơ sở lợi ích của con, cá nhân, cơ quan, tổ chức sau có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con:
a) Người thân thích;
Theo đó, người thân thích là người có quan hệ hôn nhân, nuôi dưỡng, người có cùng dòng máu về trực hệ và người có họ trong phạm vi ba đời (Khoản 19 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014).
Căn cứ theo các quy định nêu trên thì ông bà ngoại không thể giành quyền nuôi cháu. Ông bà chỉ được quyền nuôi cháu khi cả hai vợ chồng (tức ba mẹ của đứa trẻ) bị Tòa án tuyên không đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục con.
Ban biên tập thông tin đến bác!
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật