Quy trình bổ nhiệm chức danh Tổ trưởng, Phó Tổ trưởng Tổ nghiệp vụ tại đơn vị thuộc BHXH Việt Nam
Theo quy định tại Điều 18 Quy định về bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động luân chuyển, từ chức, miễn nhiệm, đình chỉ chức vụ và công tác công chức lãnh đạo, viên chức quản lý và kế toán trưởng tại đơn vị thuộc hệ thống Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định 1809/QĐ-BHXH năm 2017 thì việc bổ nhiệm được thực hiện như sau:
1. Xác định nhu cầu, chủ trương và nguồn nhân sự để xem xét bổ nhiệm.
Căn cứ nhu cầu bổ nhiệm viên chức quản lý Tổ Nghiệp vụ, trên cơ sở số lượng Tổ trưởng, Phó Tổ trưởng các tổ nghiệp vụ đã được phê duyệt và nguồn nhân sự của BHXH huyện, Giám đốc BHXH huyện tổ chức hội nghị tập thể lãnh đạo và cấp ủy BHXH huyện thống nhất chủ trương kiện toàn; lựa chọn, giới thiệu nhân sự trên cơ sở nhận xét, đánh giá theo quy định tại Điều 10 Quy định này đối với các viên chức thuộc Tổ nghiệp vụ và có văn bản (kèm theo Nghị quyết liên tịch lãnh đạo và cấp ủy BHXH huyện) trình lãnh đạo BHXH tỉnh (qua Phòng Tổ chức cán bộ).
Trên cơ sở đề nghị của BHXH huyện, Phòng Tổ chức cán bộ tổng hợp, báo cáo Giám đốc BHXH tỉnh để tổ chức hội nghị tập thể lãnh đạo, cấp ủy BHXH tỉnh (lần 1) xem xét, thảo luận về nhân sự do BHXH huyện giới thiệu; trường hợp nhân sự do BHXH huyện giới thiệu không đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn, để tăng cường hiệu lực, hiệu quả điều hành, tập thể lãnh đạo, cấp ủy BHXH tỉnh có thể xem xét lựa chọn nhân sự từ đơn vị khác thuộc BHXH tỉnh đủ điều kiện tiêu chuẩn (trong đó ưu tiên nhân sự trong quy hoạch chức danh lãnh đạo quản lý BHXH huyện) và thống nhất có Nghị quyết liên tịch về chủ trương kiện toàn và nhân sự thực hiện quy trình bổ nhiệm, đồng thời giao Phòng Tổ chức cán bộ thực hiện quy trình.
2. Đối với nguồn nhân sự tại chỗ.
2.1. Bước 1: Tổ chức hội nghị lấy phiếu tín nhiệm.
- Chủ trì Hội nghị: Phòng Tổ chức cán bộ chủ trì phối hợp với Giám đốc BHXH huyện thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm.
- Thành phần tham gia lấy phiếu:
Giám đốc, Phó Giám đốc, cấp ủy BHXH huyện và toàn thể viên chức của Tổ Nghiệp vụ có viên chức được xem xét bổ nhiệm. Những trường hợp quy định tại Điều 5 Quy định này không tham gia lấy phiếu.
- Nội dung hội nghị:
+ Thông báo chủ trương kiện toàn hoặc bổ sung viên chức quản lý tổ nghiệp vụ; quán triệt tiêu chuẩn chức danh bổ nhiệm.
+ Thông báo danh sách viên chức được lãnh đạo BHXH tỉnh giới thiệu; tóm tắt lý lịch, quá trình học tập công tác; nhận xét, đánh giá về ưu điểm, khuyết điểm, mặt mạnh, mặt yếu, triển vọng của nhân sự được giới thiệu.
+ Thành viên tham gia dự họp nhận xét, đánh giá đối với viên chức dự kiến bổ nhiệm.
+ Người được giới thiệu bổ nhiệm phát biểu ý kiến về việc thực hiện nhiệm vụ nếu được bổ nhiệm và trả lời các vấn đề có liên quan (nếu có).
+ Thực hiện lấy phiếu tín nhiệm đối với viên chức dự kiến bổ nhiệm theo hình thức bỏ phiếu kín. Việc kiểm phiếu do Phòng Tổ chức cán bộ và đại diện cấp ủy BHXH huyện thực hiện, ký biên bản. Kết quả kiểm phiếu không công bố trong hội nghị, là tài liệu tham khảo để tập thể lãnh đạo và cấp ủy BHXH tỉnh xem xét, quyết định.
2.2. Bước 2: Tổ chức hội nghị liên tịch giữa tập thể lãnh đạo và cấp ủy BHXH tỉnh (lần 2).
Trên cơ sở kết quả tại hội nghị lấy phiếu tín nhiệm, tập thể lãnh đạo và cấp ủy BHXH tỉnh thảo luận, biểu quyết việc bổ nhiệm. Nội dung triển khai thực hiện như điểm 2.2 khoản 2 Điều 16 Quy định này.
2.3. Bước 3: Quyết định bổ nhiệm.
Phòng Tổ chức cán bộ phối hợp với BHXH huyện hoàn thiện hồ sơ bổ nhiệm theo quy định tại khoản 1 Điều 11 Quy định này (nhưng hồ sơ bổ nhiệm không có thành phần hồ sơ theo quy định tại điểm e, f), trình Giám đốc BHXH tỉnh ra quyết định bổ nhiệm. Chậm nhất sau 10 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định bổ nhiệm, BHXH tỉnh có trách nhiệm gửi báo cáo bằng văn bản kèm theo bản sao sơ yếu lý lịch mẫu 2C-BNV/2008, bản sao văn bằng chứng chỉ và quyết định bổ nhiệm về Vụ Tổ chức cán bộ để theo dõi và tổng hợp chung.
2.4. Bước 4: Tổ chức công bố quyết định.
Giám đốc BHXH huyện tổ chức công bố quyết định với thành phần toàn thể viên chức của BHXH huyện.
3. Đối với nguồn nhân sự từ đơn vị khác thuộc BHXH tỉnh
Trong trường hợp cần thiết nếu đơn vị cần bổ sung viên chức quản lý để tăng cường hiệu lực, hiệu quả điều hành.
3.1. Bước 1: Căn cứ Nghị quyết liên tịch của tập thể lãnh đạo, cấp ủy BHXH tỉnh, Phòng Tổ chức cán bộ trao đổi Thủ trưởng của 02 đơn vị nơi có viên chức đi và nơi đến, đồng thời phối hợp với Thủ trưởng đơn vị nơi viên chức được điều động, bổ nhiệm hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều 11 Quy định này (nhưng hồ sơ bổ nhiệm không có thành phần hồ sơ theo quy định tại điểm a, c, e và f).
3.2. Bước 2: Tổ chức hội nghị liên tịch giữa tập thể lãnh đạo và cấp ủy BHXH tỉnh (lần 2).
Tập thể lãnh đạo, cấp ủy đảng BHXH tỉnh xem xét biểu quyết bằng hình thức bỏ phiếu kín việc bổ nhiệm hoặc không bổ nhiệm. Nội dung triển khai thực hiện như điểm 2.2 khoản 2 Điều 16 Quy định này.
3.3. Bước 3: Quyết định điều động và bổ nhiệm.
Trên cơ sở Nghị quyết của tập thể lãnh đạo và cấp ủy BHXH tỉnh thống nhất bổ nhiệm tại Bước 2 nêu trên và hồ sơ bổ nhiệm cán bộ, Phòng Tổ chức cán bộ trình Giám đốc BHXH tỉnh ký ban hành quyết định bổ nhiệm viên chức. Chậm nhất sau 10 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định bổ nhiệm, BHXH tỉnh có trách nhiệm gửi báo cáo bằng văn bản kèm theo bản sao sơ yếu lý lịch mẫu 2C-BNV/2008, bản sao văn bằng chứng chỉ và quyết định bổ nhiệm về Vụ Tổ chức cán bộ để theo dõi và tổng hợp chung.
3.4. Bước 4: Tổ chức công bố quyết định.
Thực hiện như quy định tại điểm 2.4 khoản 2 Điều này.
Trên đây là nội dung quy định về việc bổ nhiệm chức danh Tổ trưởng, Phó Tổ trưởng Tổ nghiệp vụ tại đơn vị thuộc BHXH Việt Nam. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, bạn nên tham khảo thêm tại Quyết định 1809/QĐ-BHXH năm 2017.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật