Khai gian giá bán nhà, đất để giảm nộp thuế TNCN bị phạt thế nào?
Theo quy định tại Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 (sửa đổi năm 2012 và năm 2014) thì thu nhập của cá nhân từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản (bao gồm nhà, đất,...) phải chịu thuế thu nhập cá nhân (trừ trường hợp cá nhân chỉ có một nhà ở, đất ở duy nhất thì được miễn thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng nhà ở, quyền sử dụng đất ở và tài sản gắn liền với đất ở)
Theo đó, thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản được xác định như sau:
Thuế thu nhập cá nhân phải nộp = Giá chuyển nhượng x Thuế suất 2%
Lưu ý: Trường hợp chuyển nhượng bất sản là đồng sở hữu thì nghĩa vụ thuế được xác định riêng cho từng người nộp thuế theo tỷ lệ sở hữu bất động sản. Căn cứ xác định tỷ lệ sở hữu là tài liệu hợp pháp như: thoả thuận góp vốn ban đầu, di chúc hoặc quyết định phân chia của toà án,... Trường hợp không có tài liệu hợp pháp thì nghĩa vụ thuế của từng người nộp thuế được xác định theo tỷ lệ bình quân.
Như vậy: Căn cứ thông tin trên đây thì có thể xác định căn cứ tính thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản là giá chuyển nhượng từng lần và thuế suất..
Do đó: Trường hợp cá nhân có thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản là nhà, đất mà có hành vi khai gian để giảm giá chuyển nhượng nhà, đất dẫn đến giảm số tiền thuế thu nhập cá nhân phại đóng cho nhà nước so với thực tế phải đóng là hành vi vi phạm pháp luật.
Tùy vào trừng trường hợp cụ thể, tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi vi phạm có thể bị xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật, cụ thể như sau:
Theo quy định tại Thông tư 166/2013/TT-BTC thì cá nhân có hành vi trốn thuế bị xử phạt phạt tiền 01 đến 03 lần số tiền thuế trốn với hành vi trốn thuế, cụ thể như sau:
- Phạt tiền 01 lần tính trên số thuế trốn với người nộp thuế vi phạm lần đầu (trừ các trường hợp bị xử phạt đối với hành vi khai sai dẫn đến thiếu thuế) hoặc vi phạm lần thứ hai mà có từ hai tình tiết giảm nhẹ trở lên.
- Phạt tiền 1,5 lần tính trên số thuế trốn với người nộp thuế vi phạm lần đầu, có tình tiết tăng nặng hoặc vi phạm lần thứ hai, có một tình tiết giảm nhẹ.
- Phạt tiền 02 lần tính trên số thuế trốn với người nộp thuế khi có một trong các hành vi trốn thuế trong các trường hợp: Vi phạm lần thứ hai mà không có tình tiết giảm nhẹ hoặc vi phạm lần thứ ba và có một tình tiết giảm nhẹ…
- Phạt tiền 3 lần tính trên số tiền thuế trốn đối với người nộp thuế khi có một trong các hành vi trốn thuế, gian lận thuế trong các trường hợp: vi phạm lần thứ hai mà có từ hai tình tiết tăng nặng trở lên hoặc vi phạm lần thứ ba có tình tiết tăng nặng hoặc vi phạm từ lần thứ tư trở đi.
Lưu ý: Mức phạt tiền được trên đây là mức phạt tiền áp dụng với tổ chức. Nếu người vi phạm là hộ gia đình, cá nhân thì mức phạt tiền bằng 1/2 mức phạt tiền với tổ chức.
Ngoài ra, cá nhâ vi phạm còn bị buộc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là nộp đủ số tiền thuế trốn, gian lận vào ngân sách nhà nước.
Số tiền thuế trốn, gian lận là số tiền thuế phải nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật mà người nộp thuế bị cơ quan có thẩm quyền phát hiện và xác định trong biên bản, kết luận kiểm tra, thanh tra.
(Xem chi tiết tại Điều 13 Thông tư 166/2013/TT-BTC)
Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật