Chế độ được hưởng khi đóng cả BHXH tự nguyện và bắt buộc?

Tôi tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện, sau đó tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc. Vậy thời gian đóng BHXH tự nguyện có được tính để hưởng chế độ khi không may bị ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hay lúc thai sản không? Nguyễn Thị Tuyết (TP.HCM)

 

Theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội, BHXH tự nguyện bao gồm hai chế độ: chế độ hưu trí và chế độ tử tuất. Từ việc thiết kế các chế độ BHXH tự nguyện, nguồn hình thành quỹ BHXH tự nguyện cơ bản do người lao động đóng. Mức đóng hằng tháng bằng 16% mức thu nhập mà người lao động lựa chọn đóng; từ năm 2010 trở đi, cứ hai năm một lần đóng thêm 2% cho đến khi đạt mức đóng là 22%.

Mức thu nhập làm cơ sở để tính đóng BHXH tự nguyện được thay đổi tùy theo khả năng của người lao động ở từng thời kỳ, nhưng thấp nhất bằng mức lương tối thiểu chung và cao nhất bằng 20 tháng lương tối thiểu chung. Quỹ này được sử dụng để chi trả chế độ hưu trí và chế độ tử tuất cho người lao động tham gia BHXH tự nguyện.

Trong khi Luật BHXH về BHXH bắt buộc quy định năm chế độ gồm: chế độ ốm đau, chế độ thai sản, chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, chế độ hưu trí và chế độ tử tuất. Nguồn quỹ BHXH bắt buộc được hình thành chủ yếu do cả người sử dụng lao động và người lao động tham gia BHXH bắt buộc đóng. Quỹ này được sử dụng để chi trả các chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí và tử tuất cho người lao động tham gia BHXH bắt buộc.

Mức đóng hằng tháng của người sử dụng lao động được xác định trên cơ sở tỉ lệ phần trăm (%), quỹ tiền lương, tiền công đóng BHXH của người lao động tham gia BHXH bắt buộc. Theo đó, người sử dụng lao động đóng bằng 3% quỹ tiền lương, tiền công vào quỹ ốm đau và thai sản; đóng bằng 1% quỹ tiền lương, tiền công vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; đóng bằng 11% quỹ tiền lương, tiền công vào quỹ hưu trí và tử tuất. Từ năm 2010 trở đi, cứ hai năm một lần đóng thêm 1% cho đến khi đạt mức đóng là 14%.

Hằng tháng người lao động quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 điều 2 của Luật BHXH đóng bằng 5% mức tiền lương, tiền công vào quỹ hưu trí và tử tuất, từ năm 2010 trở đi, cứ hai năm một lần đóng thêm 1% cho đến khi đạt mức đóng là 8%.

Đối với người lao động quy định tại điểm đ khoản 1 điều 2 Luật BHXH đóng bằng 1% mức lương tối thiểu chung đối với mỗi lao động vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; đóng bằng 16% mức lương tối thiểu chung đối với mỗi lao động vào quỹ hưu trí và tử tuất, từ năm 2010 trở đi, cứ hai năm một lần đóng thêm 2% cho đến khi đạt mức đóng là 22%.

Trên cơ sở mức đóng và nguồn hình thành các quỹ BHXH, người lao động tham gia BHXH bắt buộc được hưởng các chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí và tử tuất; người lao động tham gia BHXH tự nguyện chỉ được hưởng chế độ hưu trí và tử tuất.

Như vậy, người vừa có thời gian đóng BHXH tự nguyện vừa có thời gian đóng BHXH bắt buộc thì thời gian đóng BHXH tự nguyện không được tính hưởng chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Bảo hiểm xã hội tự nguyện

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào