Lái xe sử dụng rượu bia gây tai nạn công ty bảo hiểm có trách nhiệm đền bù?

Xin chào, em có chút vấn đề thắc mắc cần được giải đáp: Nhóm em 7 người có rủ nhau đi họp sau đó tổ chức nhậu, trên đường di chuyển sau nhậu bằng xe 7 chỗ, bạn trong nhóm em điều khiển có gây ra tai nạn giao thông, khiến 2 người ngồi trên xe bị mất và 3 người trong đó có em bị thương. Cho em hỏi trong trường hợp lái xe có nồng độ cồn 0.65 thì có được hưởng bảo hiểm tài sản cho xe không. Người điều khiển có đầy đủ giấy tờ tham gia giao thông

Tại Khoản 8 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 có quy định các hành vi bị nghiêm cấm như sau:

"8. Điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

Điều khiển xe mô tô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở…”.

Mặt khác, Theo quy định tại Khoản 3, Thông tư liên tịch 26/2014/TTLT-BYT-BCA, khi người điều khiển phương tiện giao thông gây tai nạn, thì cán bộ công an sẽ thực hiện việc kiểm tra nồng độ cồn có trong máu của những người có liên quan đến vụ tai nạn giao thông.

Theo như bạn trình bày trường hợp lái xe có nồng độ cồn 0.65 miligam/1 lít khí thở đã vượt quá nồng độ cồn cho phép.

Tại Điều 12 Thông tư 22/2016/TT-BTC quy định:

"Điều 12. Loại trừ bảo hiểm

Doanh nghiệp bảo hiểm không bồi thường thiệt hại đối với các trường hợp sau:

1. Hành động cố ý gây thiệt hại của chủ xe, lái xe hoặc của người bị thiệt hại.

2. Lái xe gây tai nạn cố ý bỏ chạy không thực hiện trách nhiệm dân sự của chủ xe, lái xe cơ giới.

3. Lái xe không có Giấy phép lái xe hoặc Giấy phép lái xe không phù hợp đối với loại xe cơ giới bắt buộc phải có Giấy phép lái xe. Trường hợp lái xe bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe có thời hạn hoặc không thời hạn thì được coi là không có Giấy phép lái xe.

4. Thiệt hại gây ra hậu quả gián tiếp như: giảm giá trị thương mại, thiệt hại gắn liền với việc sử dụng và khai thác tài sản bị thiệt hại.

5. Thiệt hại đối với tài sản bị mất cắp hoặc bị cướp trong tai nạn.

6. Chiến tranh, khủng bố, động đất.

7. Thiệt hại đối với tài sản đặc biệt bao gồm: vàng, bạc, đá quý, các loại giấy tờ có giá trị như tiền, đồ cổ, tranh ảnh quý hiếm, thi hài, hài cốt."

Theo quy định trên này thì không có trường hợp lái xe ô tô vi phạm nồng độ cồn gây tai nạn thì doanh nghiệp bảo hiểm không đền bù. Tuy nhiên, hợp đồng bảo hiểm là thỏa thuận dân sự giữa các bên. Nên phải căn cứ vào hợp đồng bảo hiểm hai bên đã giao kết.

Theo quan điểm của chúng tôi: khi giao kết hợp đồng với khách hàng công ty bảo hiểm sẽ ràng buộc thêm về trường hợp loại trừ bảo hiểm như:

"Loại trừ bảo hiểm
...
Lái xe trong tình trạng có nồng độ cồn trong máu hoặc khí thở, trong cơ thể có chất ma túy hoặc chất kích thích khác bị cấm theo quy định của pháp luật."

Vì vậy, trong trường hợp này phải căn cứ vào hợp đồng bảo hiểm hai bên đã giao kết là có điều khoản này hay không? Nếu trong hợp đồng bảo hiểm không có điều khoản này thì đương nhiên doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm đền bù cho lái xe.

Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi đối với yêu cầu hỗ trợ của bạn.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Phòng chống tác hại của rượu bia

Hồ Văn Ngọc

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào