Đóng dấu chữ ký khắc sẵn lên chứng từ kế toán có hợp lệ không?

Hiện nay việc đóng dấu chữ ký khắc sẵn được sử dụng khá nhiều trong các văn bản tại doanh nghiệp. Nhiều kế toán khi viết hóa đơn, hay chứng từ kế toán cũng lấy luôn chữ ký đó đóng lên chừng khi sếp vắng mặt và được sự đồng ý của sếp. Anh chị cho tôi hỏi việc đóng dấu chức ký khắc sẵn lên hóa đơn chứng từ có hợp lệ không? Có bị xử phạt gì không?

Tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 19 Luật kế toán 2015 quy định:

"1. Chứng từ kế toán phải có đủ chữ ký theo chức danh quy định trên chứng từ. Chữ ký trên chứng từ kế toán phải được ký bằng loại mực không phai. Không được ký chứng từ kế toán bằng mực màu đỏ hoặc đóng dấu chữ ký khắc sẵn. Chữ ký trên chứng từ kế toán của một người phải thống nhất. Chữ ký trên chứng từ kế toán của người khiếm thị được thực hiện theo quy định của Chính phủ.

2. Chữ ký trên chứng từ kế toán phải do người có thẩm quyền hoặc người được ủy quyền ký. Nghiêm cấm ký chứng từ kế toán khi chưa ghi đủ nội dung chứng từ thuộc trách nhiệm của người ký."

Tại Khoản 1 Điều 8 Nghị định 41/2018/NĐ-CP quy định:

"1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Mẫu chứng từ kế toán không có đầy đủ các nội dung chủ yếu theo quy định;

b) Tẩy xóa, sửa chữa chứng từ kế toán;

c) Ký chứng từ kế toán bằng mực màu đỏ, mực phai màu;

d) Ký chứng từ kế toán bằng đóng dấu chữ ký khắc sẵn;

đ) Chứng từ chi tiền không ký theo từng liên."

Như vậy, việc đóng dấu chữ ký khắc sẵn lên hóa đơn, chứng từ kế toán là không hợp lệ, cũng không có tính hợp pháp. Đối với hành vi đóng dấu chữ ký có sẵn lên chứng từ kế toán thì sẽ bị phạt từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng

Trên đây là quy định về đóng dấu chữ ký khắc sẵn lên chứng từ kế toán.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Chứng từ kế toán

Hồ Văn Ngọc

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào