Em trai không phụng dưỡng mẹ có được nhận di sản thừa kế?
Thứ nhất, về việc phân chia di sản của mẹ bạn:
Căn cứ Điều 631, Điều 633, Điều 634, điểm a khoản 1 Điều 675 Bộ luật Dân sự năm 2005 (BLDS 2005), kể từ thời điểm mẹ chị mất (thời điểm mở thừa kế), vì không để lại di chúc nên toàn bộ di sản (bao gồm tài sản riêng và phần tài sản trong khối tài sản chung với người khác) sẽ được thừa kế theo pháp luật.
Những người thừa kế ở hàng thứ nhất sẽ được hưởng những phần di sản ngang bằng nhau (Điều 676 BLDS 2005). Chị có thể thực hiện đối chiếu với các quy định được trích dẫn dưới đây để xác định chính xác số người được thừa kế:
Hàng thừa kế thứ nhất bao gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết.
Đồng thời theo quy định tại Điều 635 BLDS 2005 người thừa kế phải đáp ứng điều kiện nếu là cá nhân thì phải còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết.
Tóm lại, về vấn đề thừa kế, em trai chị dù không chăm sóc phụng dưỡng, nhưng theo quy định của pháp luật, khi di sản được thừa kế theo pháp luật, tất cả những người thừa kế (trong đó có em trai chị) đều được hưởng những phần bằng nhau. Những người con dù không chung hộ khẩu và mang họ khác nhau nhưng chỉ cần chứng minh là con của mẹ (trường hợp này được thể hiện trong giấy khai sinh) thì đều có tư cách người thừa kế ở hàng thứ nhất.
Thứ hai, về việc chị mua căn nhà của mẹ 10 năm trước:
Vì khi mua nhà khoảng 10 năm trước nhưng (khoảng năm 2004) chỉ lập hợp đồng hai bên ký dưới sự chứng kiến và ký tên làm chứng của em gái cũng như người hàng xóm mà không có ý kiến xác nhận của UBND cấp xã, hiện tại em trai chị đang tranh chấp chia thừa kế ngôi nhà này nên nếu nộp đơn khởi kiện, Tòa án sẽ tuyên hợp đồng vô hiệu theo Điều 134 BLDS 2005 do không tuân thủ quy định về hình thức của hợp đồng chuyển nhượng (tại thời điểm xảy ra giao dịch, khi thực hiện chuyển nhượng yêu cầu phải lập thành văn bản, có chữ ký của hai bên và xác nhận của UBND cấp xã).
Giải quyết hệ quả của hợp đồng vô hiệu, hai bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả lại cho nhau những gì đã nhận. Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường (Khoản 2 Điều 137 BLDS 2005).
Trong trường hợp này, cả chị và mẹ đều có lỗi trong việc không tuân thủ về mặt hình thức để dẫn đến hợp đồng vô hiệu, nên phần chênh lệch giá trị quyền sử dụng đất và nhà ở trên đất do các bên thoả thuận với giá trị quyền sử dụng đất và nhà ở trên đất tại thời điểm xét xử sơ thẩm (Nghị quyết 02/2004/NQ-HĐTP) được xác định là phần thiệt hại và sẽ chia đôi mỗi bên chịu một nửa.
Như vậy, khi bị Tòa án tuyên hợp đồng chuyển nhượng vô hiệu, chị hoàn trả lại căn nhà cho mẹ. Tuy nhiên, vì mẹ chị đã mất nên đây cũng được xem là di sản của mẹ chị, lúc này những người thừa kế hợp pháp của mẹ chị sẽ tiếp nhận căn nhà đồng thời họ cũng có trách nhiệm giao lại chị 20 triệu và một nửa khoản tiền chênh lệch giá trị quyền sử dụng đất do các bên thoả thuận với giá trị quyền sử dụng đất tại thời điểm xét xử sơ thẩm như đã phân tích ở trên. Sau khi chia di sản, những người thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại (là tổng số tiền phải giao cho chị) tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận (khoản 3 Điều 637 BLDS 2005).
Thư Viện Pháp Luật