Kinh doanh giày dép phải đóng lệ phí môn bài bao nhiêu?
Về vấn đề này của bạn thì Khoản 7 Điều 2 và Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3 Điều 3 Nghị định 139/2016/NĐ-CP quy định về lệ phí môn bài có quy định như sau:
Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh phải nộp lệ phí môn bài, trừ các trường hợp sau:
+ Có doanh thu hàng năm từ 100 triệu đồng trở xuống;
+ Sản xuất muối;
+ Hoạt động sản xuất, kinh doanh không thường xuyên; không có địa điểm cố định theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
=> Theo quy định này thì việc bạn kinh doanh giày dép có thể phải đóng lệ phí môn bài nếu có doanh thu hàng năm trên 100 triệu đồng bạn nhé.
Theo đó, Khoản 2 Điều 4 Thông tư 302/2016/TT-BTC hướng dẫn về lệ phí môn bài do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành có quy định về mức thu lệ phí môn bài trong trường hợp này như sau:
Mức thu lệ phí môn bài đối với cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình kinh doanh giày dép như sau:
+ Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 500 triệu đồng/năm: 1.000.000 (một triệu) đồng/năm;
+ Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 300 đến 500 triệu đồng/năm: 500.000 (năm trăm nghìn) đồng/năm;
+ Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 100 đến 300 triệu đồng/năm: 300.000 (ba trăm nghìn) đồng/năm.
- Doanh thu để làm căn cứ xác định mức thu lệ phí môn bài đối với cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình như trên là tổng doanh thu tính thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân.
- Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình nêu tại khoản này có thay đổi doanh thu thì căn cứ để xác định mức thu lệ phí môn bài là doanh thu tính thuế thu nhập cá nhân của năm trước liền kề năm tính lệ phí môn bài.
- Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình mới ra kinh doanh trong năm thì mức doanh thu làm cơ sở xác định mức thu lệ phí môn bài là doanh thu của năm tính thuế theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân.
Trên đây là nội dung giải đáp về nộp lệ phí môn bài đối với người kinh doanh giày, dép.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật