Người bị kết án, luật sư có được tham gia phiên tòa Giám đốc thẩm?
Theo quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự 2015 thì giám đốc thẩm là xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án.
Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm khi có một trong các căn cứ:
- Kết luận trong bản án, quyết định của Tòa án không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án;
- Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử dẫn đến sai lầm nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án;
- Có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật.
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án quân sự trung ương, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân, Tòa án quân sự theo quy định của pháp luật.
Phiên tòa giám đốc thẩm xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị được thực hiện theo quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự 2015 và các văn bản khác có liên quan.
Trong đó, Tại Điều 383 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 có quy định:
"Điều 383. Những người tham gia phiên tòa giám đốc thẩm
1. Phiên tòa giám đốc thẩm phải có sự tham gia của Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp.
2. Trường hợp xét thấy cần thiết hoặc có căn cứ sửa một phần bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, Tòa án phải triệu tập người bị kết án, người bào chữa và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng nghị tham gia phiên tòa giám đốc thẩm; nếu họ vắng mặt thì phiên tòa giám đốc thẩm vẫn được tiến hành."
Như vậy: Căn cứ quy định trên đây thì Tòa án phải triệu tập người bị kết án, người bào chữa và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng nghị tham gia phiên tòa giám đốc thẩm khi thuộc một các trường hợp sau đây:
- Tòa án xét thấy cần thiết phải triệu tập các đối tượng trên;
- Có căn cứ sửa một phần bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật;
Do đó: Người bị kết án, người bào chữa và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng nghị có thể làm đơn yêu cầu tham gia phiên tòa giám đốc thẩm gửi đến Tòa án đang giải quyết để được giải quyết theo thẩm quyền.
Trường hợp đã gửi đơn yêu cầu mà sau đó không nhận được phản hồi thì người bị kết án, người bào chữa và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng nghị có thể liên hệ trực tiếp với Tòa án đang giải quyết kháng nghị để được giải quyết.
Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật