Nghỉ ốm đau hưởng BHXH 2019
Điều 3 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH hướng dẫn điều kiện hưởng chế độ ốm đau như sau:
1. Người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d, đ khoản 1 và điểm b khoản 2 Điều 2 của Nghị định số 115/2015/NĐ-CP được hưởng chế độ ốm đau trong các trường hợp sau:
a) Người lao động bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động hoặc điều trị thương tật, bệnh tật tái phát do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế.
b) Người lao động phải nghỉ việc để chăm sóc con dưới 07 tuổi bị ốm đau và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền.
c) Lao động nữ đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con mà thuộc một trong các trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản này.
Mức hưởng chế độ ốm đau theo Điều 28 Luật bảo hiểm xã hội 2014:
1. Người lao động hưởng chế độ ốm đau theo quy định tại khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều 26, Điều 27 của Luật này thì mức hưởng tính theo tháng bằng 75% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc.
Trường hợp người lao động mới bắt đầu làm việc hoặc người lao động trước đó đã có thời gian đóng bảo hiểm xã hội, sau đó bị gián đoạn thời gian làm việc mà phải nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau ngay trong tháng đầu tiên trở lại làm việc thì mức hưởng bằng 75% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng đó.
...
Như vậy theo quy định trên thì nghỉ ốm đau là chế độ của bảo hiểm xã hội, do cơ quan bảo hiểm xã hội chi trả cho người lao động. Do đó, khi nghỉ theo chế độ ốm đau sẽ không ảnh hưởng đến phép năm cũng như người lao động sẽ không hưởng lương những ngày nghỉ này mà bảo hiểm xã hội sẽ chi trả tiền lương theo mức nêu trên. Trường hợp người lao động nghỉ chế độ 1 ngày nếu không muốn làm thủ tục thì có thể thỏa thuận trừ vào phép năm với công ty.
Trân trọng!