Thời hạn giải quyết ly hôn?

Tháng 8.2007, tôi đã nộp đơn khởi kiện xin ly hôn tại tòa án quận. Tòa đã nhận đơn và thụ lý vụ án. Khoảng 23 tháng sau khi nộp đơn, tòa có mời hai bên đến một vài lần để lấy lời khai và bổ sung các tài liệu, chứng cứ. Từ đó đến nay, tòa vẫn chưa đưa vụ án ra xét xử. Thông qua luật sư K. (người đã ký hợp đồng tư vấn với tôi), tôi có yêu cầu luật sư liên hệ với tòa để tìm hiểu diễn biến vụ án và thời gian dự kiến xét xử. Luật sư K. báo cho tôi biết là tòa cần có thêm thời gian để nghiên cứu kỹ hồ sơ và hiện chưa thể sắp lịch xét xử được. Xin hỏi, thời hạn xét xử ly hôn pháp luật quy định thế nào và tôi phải làm các bước cần thiết nào để tòa xúc tiến việc giải quyết sớm vụ kiện?

 Điều 179 Bộ luật Tố tụng dân sự quy định thời hạn chuẩn bị xét xử đối với các vụ án về hôn nhân và gia đình là 4 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án. Đối với các vụ án có tính chất phức tạp hoặc do trở ngại khách quan thì Chánh án tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử, nhưng không quá 2 tháng.

Trong thời hạn nói trên, tùy từng trường hợp tòa án sẽ ra một trong các quyết định: công nhận sự thỏa thuận của các đương sự (đoàn tụ hoặc thuận tình ly hôn); tạm đình chỉ hoặc đình chỉ giải quyết vụ án; đưa vụ án ra xét xử.

 

Trong thời hạn 1 tháng kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, tòa án phải mở phiên tòa; trong trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn này là 2 tháng.

 

Như vậy, thông thường thì trong hạn 4 tháng kể từ ngày thụ lý tòa phải ra quyết định đưa vụ án ra xét xử; nếu vụ án có tính chất phức tạp thì thời hạn này là 6 tháng.

 

Trong quá trình giải quyết vụ kiện, nếu đương sự muốn giải quyết sớm vụ kiện ly hôn thì có thể làm đơn cứu xét nộp cho tòa án. Trường hợp quá thời hạn chuẩn bị xét xử nói trên mà tòa án vẫn chưa ra quyết định đưa vụ án ra xét xử đương sự có quyền khiếu nại.

Bạn có quyền thay đổi luật sư nhưng phải thông báo với luật sư đang hợp đồng tư vấn cho bạn được biết, và có thể thanh lý hợp đồng để tiện lợi cho đôi bên và sự tác nghiệp của các luật sư.

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào