Phạm tội nhận hối lộ có được trở thành luật sư sau khi ra tù?
Theo quy định tại Luật luật sư 2006 (sửa đổi 2012) thì luật sư là người có đủ tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề theo quy định, thực hiện dịch vụ pháp lý theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức (gọi chung là khách hàng).
Công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt, có bằng cử nhân luật, đã được đào tạo nghề luật sư, đã qua thời gian tập sự hành nghề luật sư, có sức khoẻ bảo đảm hành nghề luật sư được hành nghề luật sư khi có Chứng chỉ hành nghề luật sư và gia nhập một Đoàn luật sư.
Tuy nhiên, người thuộc một trong những trường hợp sau đây thì không được cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư:
- Đang là cán bộ, công chức, viên chức; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân;
- Không thường trú tại Việt Nam;
- Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đã bị kết án mà chưa được xoá án tích về tội phạm do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng do cố ý; đã bị kết án về tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý;
- Đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục hoặc quản chế hành chính;
- Mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;
- Những người quy định tại điểm a khoản này bị buộc thôi việc mà chưa hết thời hạn ba năm, kể từ ngày quyết định buộc thôi việc có hiệu lực.
Như vậy, căn cứ quy định được trích dẫn trên đây thì có thể xác định như sau:
+ Người đã từng bị kết án về tội phạm nghiêm trọng do vô ý mà chưa được xóa án tích thì không được cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư.
+ Người đã từng bị kết án về tội phạm nghiêm trọng do cố ý thì không được cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư kể cả trường hợp đã được xóa án tích;
+ Người đã từng bị kết án về tội phạm nghiêm trọng do vô ý đã được xóa án tích thì có thể được cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư khi đủ điều kiện theo quy định pháp luật về cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư.
Mặt khác, Theo quy định tại Bộ luật hình sự 1999 thì Tội nhận hối lộ là tội phạm nghiêm trọng (có mức phạt tù từ 02 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình).
Theo đó, người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn, trực tiếp hoặc qua trung gian đã nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào có giá trị từ 500.000 đồng trở lên hoặc dưới 500.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội nhận hối lộ:
- Gây hậu quả nghiêm trọng;
- Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;
- Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục A Chương XXI, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.
Tùy từng trường hợp cụ thể, tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự mà người phạm tội này có thể bị phạt tù từ 02 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Ngoài ra, người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ một lần đến năm lần giá trị của hối lộ, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Như vậy: Căn cứ quy định này thì có thể xác định người phạm tội nhận hối lộ là do lỗi cố ý.
Do đó: Từ các dẫn chứng trên đây thì trường hợp cá nhân đã bị kết án về Tội nhận hối lộ thì không được cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư kể cả trường hợp đã được xóa án tích.
Đồng nghĩa, người bị kết án 7 năm tù về tội nhận hối lộ vai trò đồng phạm, được tha tù trước thời hạn được đặc xá vào năm 2010 thì không được hành nghề luật sư.
Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật